TÌNH HÌNH NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NHÀ NGÔ (939 - 965)


Bối cảnh lịch sử thời nhà Ngô

Năm 930, nhà Nam Hán xâm lược nước ta và đưa Thứ sử sang cai trị. Năm 931, Dương Đình Nghệ giành độc lập và vẫn xưng Tiết độ sứ. Năm 937, nhà Nam Hán xâm lược nước ta lần nữa và cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài của dân tộc, thời kỳ quốc gia độc lập dưới chế độ quân chủ.
Tính từ lúc nhà nước Âu Lạc sụp đổ vào năm 179 TCN cho đến lúc Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938 SCN thì lịch sử dân tộc đã trải qua nghìn năm chìm đắm trong ách thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc. Trong nghìn năm ấy, đã có hàng loạt cuộc khởi nghĩa nổ ra, có cuộc khởi nghĩa giành được chính quyền trong thời gian ngắn, có cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu nhưng chung quy lại đều hướng đến nhiệm vụ giành quyền độc lập và xây dựng nhà nước tự chủ.
Bước sang đầu thế kỷ X, lợi dụng sự suy yếu của nhà Đường cũng như cục diện Ngũ đại Thập quốc đang diễn ra, Khúc Thừa Dụ đã chớp thời cơ giành lại nền tự chủ, sau này là Dương Đình Nghệ đã tiếp tục bảo vệ vững chắc nền tự chủ ấy.
Với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền là người đã kết thúc ách đô hộ của phong kiến phương Bắc hơn một nghìn năm và mở ra thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc.
Hình 1. Trận Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo. Nguồn ảnh: Internet
Sau chiến thắng này, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, định đô ở Cổ Loa (Hà Nội) - đây vốn là kinh đô cũ thời Âu Lạc.
Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư có đoạn ca ngợi công lao của Ngô Vương như sau: “Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi Hoàng đế và đổi niên hiệu, mà chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được, không những chỉ là có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”[1].
Sau khi trị vì đất nước được 6 năm, năm 944, Ngô Vương băng hà. Dương Tam Kha lợi dụng cháu còn nhỏ nến đã tiếm ngôi và xưng là Bình Vương (944 - 950). Năm 950, sau khi gạt bỏ được Dương Bình Vương, Ngô Xương Văn đón anh là Ngô Xương Ngập về triều và cả hai cùng làm vua, sử gọi là Hậu Ngô Vương (Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn Vương, Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương).
Triều nhà Ngô tồn tại được 26 năm và trải qua ba đời vua, đó là Ngô Vương (939 - 944), Dương Bình Vương (944 - 950) và Hậu Ngô Vương (950 - 965).

Xây dựng chính quyền Nhà nước thời nhà Ngô


Về chính trị:
Sơ đồ bộ máy nhà nước thời nhà Ngô
Từ sơ đồ bộ máy nhà nước ở trên, ta có thể phân ra thành bộ máy nhà nước ở trung ương và tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương.

Tổ chức bộ máy nhà nước ở trung ương

Về tổ chức hành chính:
Ngay sau khi giành được độc lập vào năm 938, ngay năm sau (năm 939), Ngô Ngô Quyền đã có ý thức thiết lập chế độ Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền và cố gắng xây dựng một quốc gia thống nhất với việc ông đã bỏ chức Tiết độ sứ và xưng vương. Hình thức nhà nước: Nhà nước quân chủ độc lập.
Trong nước vua là người đứng đầu. Vua nhà Ngô xưng “Vương”: Ngô Vương Quyền và Thiên Sách Vương (Ngô Xương Ngập), và Nam Tấn Vương (Ngô Xương Văn).
Về tổ chức quan chế:
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, sau khi lên ngôi, Ngô Quyền đã đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục.
Trong Sách Lịch triều hiến chương loại chí (Quan chức chí) cũng có đoạn chép: “[…] Tiền Ngô vương dựng nước cũng đặt các quan chức, nhưng đời đã cách xa, sách vở thiếu sót, sơ lược không thể biết được”.
Dựa vào các sử liệu, ta thấy rằng , Ngô Vương rất quan tâm đến tổ chức quan chế với việc ông đặt ra chức các chức quan gồm quan văn và quan võ; đồng thời cũng quy định các nghi lễ trong triều và màu sắc trang phục của các quan lại các cấp.  Tổ chức bộ máy cơ bản vẫn theo mô hình hị Khúc. Tuy nhiên, chính chiến tranh loạn lạc đã khiến những gì liên quan đến việc tổ chức quan chế thời Ngô đến nay không còn nữa.

Tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương

Chia đơn vị hành chính địa phương nhằm xây dựng một chính quyền độc lập thống nhất. Cả nước chia thành lộ, phủ, châu, xã và đổi hương thành giáp. Đơn vị hành chính thấp nhất là xã có chức chánh lệnh trưởng, tá lệnh trưởng. Đứng đầu Giáp là Giáp trưởng có phó chi giáp giúp việc. Vẫn mô phỏng theo bộ máy của chính quyền Trung Hoa trước đây (do thời gian nắm quyền ngắn ngủi).
Lúc này, lãnh thổ nước ta thời đầu nhà Ngô bao gồm miền Bắc Việt Nam và Bắc Trung Bộ ngày nay; phía Nam tới núi Hoành Sơn. Tuy nhiên, trên thực tế, Ngô Quyền chỉ có được quyền lực ở các châu mà cư dân là con cháu của người Lạc Việt, tức miền trung du và miền đồng bằng Bắc Bộ cùng miền Trung và đồng bằng Thanh Nghệ, còn miền thượng du là các châu ki-mi thì có lẽ còn do các tù trưởng giữ. (Theo Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh xuất bản năm 1964, trang 85).
Hình 2. Bản đồ thời nhà Ngô. Nguồn ảnh: Internet

Xây dựng phát triển đất nước thời nhà Ngô

Đối nội

Về kinh tế: Nhà nước quân chủ thời Ngô (938 - 965) còn đang trong tình trạng sơ khởi, chưa phải là một bộ máy chính quyền hoàn chỉnh, chưa thực hiện việc quản lý đất nước chặt chẽ. Những người thân cận, các tướng lĩnh và các hào trưởng địa phương quy phục đã được nhà Ngô phong tước và cấp đất. Hiện nay chưa có đủ tư liệu để hiểu rõ tình hình phong cấp thời ấy như thế nào? Ta chỉ biết rằng ở Trà Hương, nay là miền Nam Sách, tỉnh Hải Dương, bấy giờ có một người hào trưởng là Phạm Lệnh Công, một trung thần của Ngô Quyền, đã được nhà Ngô phong cho đất ấy. Lê Lương làm châu mục Ái Châu (Thanh Hóa) ở đời Đường, sau này sẽ được nhà Đinh phong tước cấp đất, có lẽ cũng thần phục nhà Ngô mà giữ cơ nghiệp ở Thanh Hóa. Đinh Công Trứ từng lừm Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An) thời Dương Đình Nghệ, nay vẫn giữ cơ nghiệp trấn giữ ở Hoan Châu.
Về tiền tệ: Suốt hai mươi bảy năm tồn tại, vì chính sự chưa ổn định nên triều Ngô chưa ban hành việc đúc tiền. Do đó, tiền tệ chưa xuất hiện.
Về quân đội: Việc tổ chức nhà nước còn mang nặng tính quân sự. Quyền lực nhà nước chủ yếu dựa vào sức mạnh quân sự. Điều này xuất phát từ bối cảnh đất nước mới giành được độc lập và sau một thời gian dài bị ngoại bang đô hộ, nhà nước phải đối phó với hai yêu cầu bức thiết, đó là: bên ngoài lo chống ngoại xâm phương Bắc và phương Nam; bên trong phải luôn đấu tranh với các lực lượng cát cứ địa phương.
Triều đình của Ngô Quyền được xây dựng theo thể chế của một vương triều phong kiến hoàn toàn độc lập. Đã thiết lập Bộ máy chính quyền mang tính chất trung ương tập quyền và cố gắng xây dựng một quốc gia thống nhất.
Tuy nhiên, một chính quyền còn non trẻ, mới được xây dựng nên tổ chức còn đơn giản, mức độ tập quyền chưa cao. Ở nhiều địa phương, vẫn còn tồn tại những thế lực phong kiến khá mạnh với cơ sở kinh tế và lực lượng quân sự riêng. Những phần tử phong kiến đó tuy phục tùng triều đình trung ương và có người giữ chức tước trong triều, nhưng vẫn duy trì lực lượng riêng của mình và khống chế từng vùng rộng lớn.

Đối ngoại

Đại Việt Sử ký Toàn thư khi viết về ngoại giao nhà Ngô có đoạn: “ Giáp Dần, năm thứ 4 [954], (Chu Thế Tông Sài Vinh, Hiển Đức năm thứ 1) Thiên Sách Vương mất. Vua [Nam Tấn Vương] lại giữ ngôi. Sai sứ sang thỉnh mệnh vua Nam Hán là Lưu Xưởng[1]. Xưởng cho vua làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ kiêm Đô hộ.

Tình hình pháp luật thời nhà Ngô

Một năm sau khi giành được độc lập, năm 939, Ngô Vương đã bắt tay vào việc tổ chức triều đình, định ra quan chế, nghi thức làm việc và y phục của quan triều.
Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: “Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương Thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục”.
Với sử liệu này, ta có thể phỏng đoán rằng việc “đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục” được nhà Ngô thực hiện bằng chữ viết, văn bản, chứ không thể chỉ truyền miệng bằng khẩu lệnh được. 
Tuy nhiên, sử sách không ghi chép rõ về việc ban hành luật lệ thời kỳ này nên chỉ có thể phỏng đoán phần nào mà thôi.
(còn tiếp...)



[1] Cương mục sửa là Lưu Thạnh, vì sứ giả của Nam Tấn Vương sang Nam Hán năm Hiển Đức thứ 1 (954), khi ấy Lưu Thạnh còn làm vua. Còn Lưu Xưởng thì 4 năm sau (958) mới lên ngôi (CMTB5, 26a). Ngũ đại sử (Nam Hán thế gia) cũng chép sau khi Xương Ngập chết thì em là Xương Tuấn sang xin tiết việt của Lưu Thạnh.


[1] Đại Việt Sử ký Toàn thư, tập I. Nhà xuất bản KHXH, H. 1972, tr. 198.

Nhận xét

  1. có vẻ còn về các mặt kinh tế, pháp luật còn khá thiếu sử liệu

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét