HÌNH ẢNH ÁO CỔN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM


Hình ảnh áo Cổn đã được ghi chép trong hai bộ sử là Đại Việt Sử kí Toàn thư (thế kỉ XV) và Việt Sử lược (được xác định là ra đời dưới thời nhà Trần). Cả hai bộ sử đều thống nhất rằng áo Cổn đã xuất hiện từ thời nhà Đinh - Tiền Lê thông qua các chi tiết sau:
Đại Việt Sử kí Toàn thư của Ngô Sĩ Liên có đoạn “Thái hậu (tức Thái hậu Dương Vân Nga - Hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng) thấy mọi người đều vui lòng quy phục, bèn sai lấy áo (Long) Cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [980], giáng phong vua làm Vệ Vương.
Việt Sử lược cũng có cùng chi tiết “Thái hậu thấy lòng người theo phục, sai người lấy áo (Long) Cổn khoác lên mình vua, xin lên ngôi. Năm Canh Thìn (980), vua lên ngôi …”
Như vậy, khi xem xét kĩ càng các chi tiết được đưa ra ta thấy cả hai bộ sử đều ghi nhận sự kiện Thái hậu Dương Vân Nga đã lấy áo (Long) Cổn của nhà Đinh khoác lên người Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn vào năm 980, đồng thời cùng năm đó nhà Tiền Lê được thành lập.
Áo Cổn, còn gọi là Cổn phục hay Long Cổn là lễ phục của các đế vương và vương công đại thần. Căn cứ vào các bộ sử như Đại Việt Sử kí Toàn thư,Việt Sử lược, An Nam chí lược và đặc biệt là bài thơ của Trần Nguyên Đán tặng Chu Văn An có hình ảnh “lòng nguội lạnh với áo Cổn thêu hình Phủ, mũ Miện và ngọc khuê” cho thấy áo Cổn là một lễ phục của các hoàng đế, vương công đại thần triều Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần trong những dịp đại lễ của triều đình.

 Hình 1. Áo (Long) Cổn của Hoàng đế nhà Hán (họa sĩ Cao Xuân Minh vẽ).

Hình 2. Hoa văn 12 chương thêu trên áo (Long) Cổn của Hoàng đế nhà Hán.
Chú thích:
A. Hoa văn bên phải (mũi tên màu xanh dương)
1. Nhật (mặt trời)
2. Tông di (cốc tế)
3. Tảo (rong)
4. Phủ (rìu)
B. Hoa văn bên trái (mũi tên màu cam)
5. Nguyệt (mặt trăng)
6. Tinh thìn (sao)
7. Long (rồng)
8. Sơn (núi)
9. Hoa trùng (chim trĩ)
10. Hỏa (lửa)
11. Phấn mễ (gạo)
12. Phất (Chữ Á)

                                    Hình 3. Hoa văn 12 chương thêu trên áo (Long) Cổn.       

Người viết: Đỗ Xuân Giang


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Quang Đức (2017), Ngàn năm áo mũ - Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009 - 1945, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.
2. Ngô Sĩ Liên (2013) - Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, Đại Việt Sử kí Toàn thư, Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội.
3. Hoa Mai (2013) - Người dịch: ThS. Tống Thị Quỳnh Hoa, Phục sức Trung Quốc, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.
4. Trần Quốc Vượng (dịch - 2005), Việt Sử lược, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.






Nhận xét