Nỏ liên châu - bước ra từ truyền thuyết

Thời đại Hùng Vương – An Dương Vương là thời đại bị bao phủ bởi những câu chuyện truyền thuyết, thần thoại nên những gì về thời đại này trước khi được Khảo cổ phát hiện thì vẫn còn là một ẩn số. Trong phạm vi bài viết, tôi xin đề cập đến hình ảnh nỏ Liên châu trong truyền thuyết để bước đầu phác hoạ được hình ảnh của nó. Sau đây là nội dung chi tiết:
Nỏ liên châu (hay còn được gọi là nỏ thần) được các sách như Đại Việt Sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái và các truyền thuyết trong dân gian ghi chép có thể một phát bắn được nhiều mũi tên.
Về tính năng, dựa vào các ghi chép trong các truyền thuyết dân gian cũng như các bộ sử như Đại Việt Sử ký toàn thư, Việt Sử lược,… thì  nỏ liên châu bắn một lần được nhiều phát, mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Đầu mũi tên được chia làm 3 cạnh làm tăng tiết diện vết thương, khiến vết thương mất máu nhiều, khó lành. Cụ thể là:
Truyền thuyết và Đại Việt Sử ký toàn thư đã thần thánh hóa nỏ liên châu gọi là: “Linh Quang Thần cơ” hay “Linh Quang Kim trảo Thần nỏ”. Trong  Lĩnh Nam chích quái  của Trần Thế Pháp khi chép về nỏ có đoạn như sau “ Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.”
Về sự phát triển, Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. Đích thân An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xạ đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội). Về vấn đề này,  Việt Sử lược có chép như sau“Lúc bấy giờ An Dương Vương có người thần tên là Cao Lỗ làm được nỏ liễu…”
Về tác chiến,  khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, quân Triệu đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Như Việt Sử lươc đã mô tả “…mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên, dạy được một vạn quân lính.”
Như vậy, qua ghi chép của các bộ sử như Đại Việt Sử ký toàn thư, Việt Sử lược, … và cùng truyền thuyết dân gian thì nỏ liên châu đã trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc và được gọi là nỏ thần hay “Linh Quang Thần nỏ”
Chính vì tính năng ưu việt lúc giờ, nỏ liên châu đã được thần thánh hoá trong truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy như là một bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, trước sự xảo trá của Triệu Đà, bí quyết chế tạo nỏ đã  bị lấy cắp thông qua cuộc hôn nhân giữa Mỵ Châu – Trọng Thuỷ  vì điều này mà nỏ liên châu trở thành là đồ vật biểu hiện rõ nét nhất về bài học mất nước đầu tiên của dân tộc dưới thời An Dương Vương. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan và khách quan, thì việc ỷ lại vào vũ khí đã khiến nước Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính vào năm 179 TCN.
Ngày nay, với các phát hiện của Khảo cổ học, nỏ liên châu đã dần hé lộ. Cụ thể như sau:
Tại khu vực thành Cổ Loa đã phát lộ nhiều di tích khảo cổ học văn hóa Đông Sơn nói chung và gắn với thời kỳ An Dương Vương nói riêng.
Tháng 6 năm 1959, một hố mũi tên đồng với số lượng lên tới hàng vạn chiếc đã ngẫu nhiên phát lộ tại khu vực thành Cổ Loa khi công nhân đắp đường.
Qua phân loại cho thấy, mũi tên đồng Cổ Loa gồm nhiều loại dài, ngắn khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm: đầu hình tháp 3 cạnh sắc tạo độ sát thương lớn và phần chuôi dài có tác dụng giảm lực ma sát, giữ thế cân bằng cho đường bay ổn định, đảm bảo độ chính xác tới đích bắn.
Đáng chú ý, chỉ có khoảng một phần tư số mũi tên đã được tu chỉnh để sử dụng, ba phần tư còn lại là mũi tên mới ra khuôn, còn nguyên dấu vết của kỹ thuật đúc. Bởi vậy, đây có thể là kho cất giữ mũi tên vừa đúc xong, đang trong quá trình gia công để sử dụng. Do biến cố lịch sử, toàn bộ số mũi tên này được chôn giấu trong lòng đất Cổ Loa.
Việc phát hiện kho mũi tên đồng Cổ Loa đã giúp chúng ta tin tưởng phần nào vào truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương. Tuy nhiên, liệu số mũi tên này có phải được đúc tại chỗ hay không? Rất may mắn, nghi vấn này đã được giải đáp. Vào những năm 2000, ngay tại góc tây nam Đền Thượng trong khu vực thành Nội Cổ Loa, nơi thờ An Dương Vương, khảo cổ học đã phát hiện hệ thống lò đúc mũi tên đồng, cùng hàng trăm khuôn đúc, đúng với những mũi tên đồng Cổ Loa 3 cạnh mà chúng ta đã tìm thấy trước đó. Khuôn đúc mũi tên là khuôn ba mang. Mỗi mang tạo thành một cạnh của mũi tên, nên khi đúc xong, mũi tên có ba cạnh. Đây là những chứng cứ vật chất khẳng định chắc chắn việc đúc mũi tên của An Dương Vương tại kinh đô Cổ Loa.
Đương thời, đây là loại vũ khí đánh xa tân tiến, lợi hại, nên có thể thấy, việc chế tạo phải được giữ bí mật tuyệt đối.Việc chọn góc tây nam của thành Nội Cổ Loa, khu vực trung tâm của thành Cổ Loa đã phản ánh được tầm quan trọng của vấn đề này. Với hệ thống lò đúc, khuôn đúc và số lượng lớn mũi tên đã phát hiện cho thấy đây vừa là một xưởng đúc lớn, vừa được tổ chức quản lý chặt chẽ của tổ chức xã hội cao nhất đương thời.
Để trở thành loại vũ khí đánh xa lợi hại, mũi tên phải đi cùng với nỏ bắn. Tại Cổ Loa và nhiều nơi khác trong phạm vi phân bố của Văn hóa Đông Sơn cũng đã tìm thấy những chiếc nỏ đồng. Nỏ có cấu tạo gồm nhiều bộ phận đúc rời: hộp cò hình chữ nhật, miệng hộp xẻ chéo các rãnh để đặt mũi tên và khấc hãm dây nỏ; lẫy nỏ, có hình dáng gần giống móng rùa và hai thanh đồng dùng để đưa dây nỏ vào khấc hãm. Các bộ phận này được liên kết lại bằng hai cái chốt. Khi sử dụng, dây nỏ được căng  lên, cài vào khấc hãm, dùng ngón tay kéo lùi lẫy nỏ để dây bật, đẩy tung những mũi tên lao tới đích.
Cho tới nay, mặc dù số lượng tìm thấy không nhiều nhưng việc chế tạo thành công và sử dụng có hiệu quả nỏ bắn tên là một trong những sáng chế kỹ thuật quân sự lớn của người Việt cổ.
Những bằng chứng vật chất nêu trên cho thấy truyền thuyết về nỏ thần của An Dương Vương có cốt lõi lịch sử chân thực, đồng thời tự nó đã phá tan màn sương huyền thoại lâu nay bao phủ sự thật của lịch sử về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dântộc. Với số lượng hàng vạn mũi tên đồng, hàng trăm khuôn đúc đã được phát hiện, đã chứng minh rằng, đương thời đã có một đội quân lớn thường trực tại Cổ Loa. Rõ ràng, Cổ Loa là một trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế lớn của nước Âu Lạc thời An Dương Vương. Chính vì thế, có thể khẳng định rằng “Nỏ liên châu đã bước ra từ truyền thuyết.”
Người biên tập: Đỗ Xuân Giang


Nhận xét