Nửa sau thế kỷ XIX, Yên Thế - một
vùng đất hoang vu chưa được khai phá trong tiến trình lịch sử khẩn hoang của
dân tộc. Nơi đây đã từng là nơi trú ngụ của nhiều toán giặc khách, nhiều toán
thổ phỉ thường xuyên cướp bóc đối với cư dân địa phương sinh sống ở các vùng
lân cận, cũng chính là nơi dừng chân của hàng đoàn người xuất thân từ nông dân
lưu tán vì chiến tranh, thiên tai, trốn thuế,…“trong số nông dân lưu tán ở đây, có nhiều người sau khi rời xa đồng ruộng
đã từng sinh sống bằng những hình thức phi sản xuất, có nhiều người đã phạm
pháp, bị kết án tù hoặc bị truy bắt, đã chạy đến vùng Thượng Yên Thế để ẩn náo
và gia nhập vào cư dân địa phương”[1; 334]. Đời sống của cư dân di cư luôn
phải đối mặt hằng ngày những đợt truy bắt từ phía quân đội triều đình, sự cướp
bốc, tàn phá của giặc cướp, họ đã chủ động liên kết lại với nhau hình thành những
đội vũ trang tự vệ, các khu làng chiến đấu với tư thế sẵn sàng tác chiến. Trước
khi thực dân Pháp hoàn thành việc xâm lược nước ta, Yên Thế đã từng là nơi đấu
tranh chống lại triều đình Huế, khi thực dân Pháp thực hiện kế hoạch bình định
vùng đất này, các đội vũ trang tự vệ, các làng chiến đấu đã đứng lên đấu tranh
kiên dũng, quyết liệt như đã từng chống lại quân triều đình nhà Nguyễn trước
kia.
Hình 1. Lược đồ căn cứ Yên Thế
(Nguồn ảnh: hoc24.vn)
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế bắt đầu từ
năm 1884 bằng việc chống trả cuộc hành binh của quân Pháp vào căn cứ Yên Thế, lãnh
đạo phong trào đa số xuất thân từ nông dân như: Cả Dinh, Cả Huỳnh, Cai Cờ, Cả
Trọng,… nhưng người đóng vai trò quan trọng nhất là nhân vật Lương Văn Nắm (Đề
Nắm), tiếp nói sự nghiệp của ông là nhân vật Hoàng Hoa Thám. Với phương thức đấu
tranh xuyên suốt của nghĩa quân là sử dụng nghệ thuật đánh du kích, lấy ít đánh
nhiều, dựa vào địa hình hiểm trở và công sự dã chiến để đánh gần, đánh nhanh rồi
rút lui nhanh [2; 87].
Hình 2. Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám
(Nguồn ảnh: hoc24.vn)
Phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế kéo dài gần 30
năm đấu tranh kiên cường, quyết liệt chống thực dân Pháp và được chia làm 4
giai đoạn:
Giai
đoạn thứ nhất (1884 – 1892): Tháng 6 năm 1884 cuộc
hành quân càn quét đến xứ Bắc kỳ của thực dân Pháp, mà địa điểm đầu tiên là
vùng đất Yên Thế đã vấp phải sự kháng cự kịch liệt từ các toán quân nơi đây.
Tuy các toán quân chưa thống nhất về một mối, nhưng nghĩa quân Yên Thế bước đầu
đã gây cho Pháp không ít những thiệt hại nặng nề, làm chậm quá trình bình định
Bắc kỳ. Một trong những trận chiến lớn đầu tiên giữa thực dân Pháp với nghĩa
quân Yên Thế diễn ra tại Cao Thượng và căn cứ Hồ Chuối (6/11/1890). Với một hệ
thống căn cứ vững chắc, nghĩa quân Yên Thế đã nhiều lần làm cho Pháp phải rút
lui khỏi căn cứ. Hai năm sau đó, Pháp đã huy động gần 2.217 lính gồm cả pháo
binh, công binh, kỵ binh dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Voiron cùng với 2
trung tá, 2 thiếu tướng Pháp, thực hiện cuộc càng quét quyết định tiêu diệt toàn
bộ nghĩa quân [3; 417 - 422]. Làm sao có thể thắng trước một kẻ thù hùng mạnh
được trang bị vũ khí chiến đấu tối tân, được đào tạo một cách bài bản qua trường
lớp, trong khi nghĩa quân Yên Thế lực lượng chính kháng chiến xuất thân từ những
người nông dân chân lắm tay bùn quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời và
không qua một trường lớp đào tạo nào về phương pháp tác chiến cũng như phương
tiện đấu tranh còn quá lạc hậu. Chính vì vậy, phong trào nhanh chóng thất bại,
tuy nhiên Đề Thám vẫn quyết tâm kháng Pháp, thu nhặt tàn quân, cố gắng duy trì
phong trào và không lâu trở thành thủ lĩnh tối cao lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế.
Hình 3. Ảnh tư liệu
(Nguồn ảnh: baomoi.com)
Giai
đoạn thứ hai (1892 – 1897): Cuối năm 1892, sau khi
hoàn thành các tuyến đường giao thông trọng yếu tại vùng Yến Thế, cũng là lúc
mà thực dân Pháp bắt đầu diễn ra các cuộc càng quét, lùng bắt nghĩa quân. Cùng
thời điểm, thực dân Pháp đã phải đối đầu với hàng loạt các cuộc khởi nghĩa quy
mô lớn nhỏ khác nhau từ phong trào Cần Vương nổ ra trong khắp cả nước. Vì thế
đây cũng là khoảng thời gian không ngắn để nghĩa quân Yên Thế khôi phục lại lực
lượng, xây dựng căn cứ vững chắc, lấy Hồ Chuối làm căn cứ chính kháng chiến.
Trước sự lớn mạnh cùng với những hành động không ngờ đến của nghĩa quân, là nỗi
lo lắng của những nhà cầm quyền Pháp. Cuối năm 1895, thực dân pháp đã thực hiện
chiến dịch càn quét với quy mô lớn, có đại bác yểm trợ, hỏa lực đã nhanh chóng
chiếm các căn cứ trọng yếu của nghĩa quân [3; 422 – 424]. Với chiến thuật du
kích, nghĩa quân cũng đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại về người và của, chắc hẳn
một điều về phía nghĩa quân cũng thiệt hại không ít. Trước tình hình khó khăn
khi đứng trước bờ vực thất bại trong sự tấn công càng quét ngày một kịch liệt từ
phía quân đội Pháp, chính thủ lĩnh Đề Thám cũng nhận thấy rằng cần có một khoảng
thời gian dài để phục hồi và bồi dưỡng lại lực lượng đang yếu thế. Đề Thám buộc
phải viết thư đình chiến với Pháp, sau hai lần không chấp nhận đình chiến, đến
lần thứ ba trước dã tâm nóng lòng muốn triển khai kế hoạch thai khác thuộc địa,
tháng 11 năm 1897, toàn quyền Đông Dương Doumer quyết định cuộc giảng hòa, hai
bên ký với nhau một bảng giao kèo gồm 7 điều khoản [2; 89].
Giai
đoạn thứ 3 (1898 – 1908): Trong gần 11 năm đình chiến, Đề
Thám đã chú trọng việc xây lại căn cứ Phồn Xương, tích khảo luyện binh, rèn khí
giới, chiêu mộ nhân tài, đẩy mạnh công tác khai hoang tăng gia sản xuất [1; 345].
Giai
đoạn thứ 4 (1909 – 1913): Vụ đầu độc lính pháp ở Hà Nội năm
1908 đã chấn động dư luận trong cả nước, cái tên thủ lĩnh Đề Thám và nghĩa quân
Yên Thế đã dần trở thành một mối lo lớn của giới cầm quyền Pháp. Để giải quyết
mối lo ngại đó, đầu năm 1909 dưới sự lãnh đạo của đại tá Bataille chỉ huy
15.000 quân tấn công ồ ạt hướng về căn cứ Yên Thế, nghĩa quân vừa chiến đấu vừa
rút lui xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh rồi di chuyển sang Tam Đảo, Thái
Nguyên. Đến cuối năm 1909, Phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế bắt đầu dần
suy yếu, rất nhiều tướng lĩnh giỏi đã huy sinh trong các đợt càng quét của Pháp,
hoặc sa vào tay giặc, như Cả Trọng, Cả Huỳnh, Cả Tuyển, Ba Biều,…Tuy nhiên
phong trào vẫn tiếp tục kéo dài cho đến ngày 9 tháng 2 năm 1913 Đề Thám bị ám
sát qua đời. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị dập tắt hoàn toàn [1; 332].
Hình 4. Nghĩa quân Yên Thế bị bắt
(Nguồn ảnh: hoc24.vn)
Trong suốt gần 30 năm đấu tranh bền
bỉ với thực dân Pháp, phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế mang đậm tính chất
một cuộc khởi nghĩa nông dân tự phát, song có những đặc điểm khác với các cuộc
khởi nghĩa nông dân tự phát thông thường. Thứ
nhất, cuộc khởi nghĩa nổ ra không phải do nguyên nhân mất đất của cư dân bản
địa, đây là cuộc khởi nghĩa nổ ra của những người nông dân lưu tán, vì nhu cầu
tự vệ họ đã liên kết với nhau đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp. Thứ hai, tư tưởng xuyên suốt của cuộc khởi
nghĩa chính là xây dựng một nhà nước thu nhỏ trên mảnh đất Yên Thế, không bị sự
kiểm soát của một thế lực nào. Thứ ba,
trong nội bộ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã đã bắt đầu có sự phân hóa giữa một
bên là Thủ lĩnh có xu hướng trở thành một điền chủ sống một đời yên ổn, một bên
là nghĩa quân luôn một lòng chống Pháp, song trong cuộc đấu tranh ấy, dường như
nghĩa quân đã thắng thế nên vẫn giữ được Đề Thám ở tư thế đối đầu Pháp. Phong
trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế thời kỳ cận đại đã góp phần tạo nên một âm
vang lớn, cổ vũ tinh thần đấu tranh của dân tộc, khẳng định truyền thống yêu nước,
đấu tranh kiên cường bất khuất trước sự xâm lăng của các thế lực bên ngoài.
Khoa
Khoa học Xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Thủ Dầu Một.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.
Nguyễn
Văn Kiệm (2003), Góp phần tìm hiểu một số
vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, NXB. Văn hóa – Thông tin.
2. Đinh Xuân Lâm (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục.
3. Tạ Thị Thúy (2017), Lịch sử Việt Nam từ năm 1897 đến năm 1918, Tập 7, Nxb. Khoa học Xã hội.
2. Đinh Xuân Lâm (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục.
3. Tạ Thị Thúy (2017), Lịch sử Việt Nam từ năm 1897 đến năm 1918, Tập 7, Nxb. Khoa học Xã hội.
Nhận xét
Đăng nhận xét