Ngũ hổ tướng Gia Định - phần 1

Ngũ hổ tướng Gia Định là danh hiệu người đời tặng cho năm vị danh tướng của Nguyễn Ánh gồm: Nguyễn Văn TrươngNguyễn Văn NhơnLê Văn DuyệtNguyễn Huỳnh ĐứcTrương Tấn Bửu.
1. Nguyễn Văn Trương
Hình 1. Chân dung Nguyễn Văn Trương
Nguyễn Văn Trương (1740 - 1810), danh tướng của Nguyễn Phúc Ánh và là một trong Ngũ hổ tướng Gia Định. 
Ông là người huyện Lễ Dương (nay là huyện Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam. Năm 1776 khi Nguyễn Lữ (một trong ba thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn) đem quân vào Nam, lấy được thành Sài Gòn, đuổi chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy đến Trấn Biên (Biên Hòa), thì Nguyễn Văn Trương xin theo phò tá Nguyễn Lữ, và được cho giữ chức Chưởng cơ cai quản binh thuyền.
Trong khoảng 1777 – 1783, Nguyễn Ánh nhiều lần đem quân về chiếm lại Gia Định, nên ông cũng thường xuyên phải đụng trận với chúa Nguyễn. Có lần quân Tây Sơn thắng thế, Nguyễn Văn Trương cùng quân Tây Sơn cưỡi ngựa đuổi bắt chúa Nguyễn đang chạy bộ, đến đoạn đường hẹp đột nhiên có một cây cổ thụ lớn đã mục ruỗng đổ sập xuống chặn đường quân Tây Sơn làm ngựa không thể vượt qua được vì vậy mà chúa Nguyễn Ánh thoát nạn, từ sự kiện đó mà Nguyễn Văn Trương trong lòng đã cho rằng chúa Nguyễn là người có thiên mệnh. 
Đến năm 1787, nhà Tây Sơn cứ lục đục nội bộ mãi, các tướng quay sang đánh giết lẫn nhau, chúa Nguyễn Ánh nhân đó mà chiếm lấy Gia Định, chán chường Nguyễn Văn Trương đem quân thân tín chạy qua đầu hàng chúa Nguyễn. 
Tháng 3 năm Nhâm Tí (1792), nhân khi mùa gió Nam thổi mạnh, chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Trương cùng Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Dayot và Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn) đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Quy Nhơn), rồi quay về an toàn.
Tháng 3 năm sau (Quý Sửu, 1793), chúa Nguyễn để con là Nguyễn Phúc Cảnh ở lại giữ đất Gia Định, sai Tôn Thất Hội cùng Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành đem bộ binh đánh Phan Rí (nay thuộc Bình Thuận). Còn chúa Nguyễn cùng Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh đem thủy quân đi đánh mặt bể. Đến tháng 5 thì đoàn chiến thuyền của quân Nguyễn vào cửa bể Nha Trang, rồi đánh lên Diên Khánh, phủ Bình Khang, sau lại đánh lấy phủ Phú Yên.
Năm Tân Dậu (1801), ngày 15 tháng Giêng, chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Trương, Lê Văn Duyệt chia làm hai đạo tấn công thuỷ trại của Tây Sơn ở Thị Nại đốt được hết cả tàu và thuyền của quân Tây sơn. Đây là trận thủy chiến dữ dội nhất, đáng được gọi là "võ công đệ nhất" trong thời trung hưng của nhà Nguyễn.
Ngày 7 tháng 6 năm (1801). Nguyễn Văn Trương hợp binh với chúa Nguyễn tại cửa Hàn (Đà Nẵng). 
Ngày 9, khoảng 4 giờ quân Nguyễn cả lục quân và thủy quân tiến ra Phú Xuân (Huế). Đến 8 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm Tân Dậu (15 tháng 6 năm 1801), thành Phú Xuân mất vào tay chúa Nguyễn.
Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802), vua Tây Sơn là Cảnh Thịnh sai Nguyễn Quang Thùy tiến lên vây đánh lũy Trấn Ninh. Thế trận chưa nghiêng ngả về bên nào thì có tin thủy quân của Tây Sơn đã bị Nguyễn Văn Trương phá tan ở cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), khiến quan quân nhà Tây Sơn hốt hoảng phải tháo chạy. Đây cũng là trận đánh quyết định cuối cùng từ đó nhà Tây Sơn trượt dài và sụp đổ. Nguyễn Ánh thống nhất đất nước và lên ngôi hoàng đế. 
Năm Ất Sửu (1805), vua Gia Long cử ông vào cai trị miền Nam với chức vụ Lưu trấn thành Gia Định, thay cho Nguyễn Văn Nhơn. Năm 1808, ông được triệu về kinh đảm nhận chức vụ khác.
Năm Canh Ngọ (1810) ông mất tại chức, thọ 70 tuổi, được truy tặng là Thái bảo, thờ ở miếu Trung hưng công thần. Đời Minh Mạng, ông lại được truy phong là Đoan Hùng Quận công.
Con ông là Nguyễn Văn Vân, cũng là một viên tướng có tài, làm quan võ đến chức Tiền quân đô thống chế.
2. Nguyễn Văn Nhơn
Hình 2. Chân dung Nguyễn Văn Nhơn
Nguyễn Văn Nhơn (1753-1822) là một trong ngũ hổ tướng Gia Định, phò tá chúa Nguyễn Phúc Ánh từ những buổi đầu. Ông cũng là tổng trấn đầu tiên của thành Gia Định triều Nguyễn. 
Nguyễn Văn Nhơn sinh năm Quý Dậu (1753) tại làng Tân Đông, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang, về sau đổi thành xã Tân Đông thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ông là con ông Nguyễn Quang (tước Minh Đức hầu) và bà Thị Áo.
Năm Giáp Ngọ (1774), lúc 21 tuổi, ông theo Tống Phước Hiệp và Nguyễn Khoa Thuyên, làm chức đội trưởng. Ông lại theo Tống Phước Hòa, được thăng cai đội.
Năm Đinh Dậu (1777), chúa Nguyễn Nguyễn Phúc Ánh khởi binh ở Long Xuyên (nay là Cà Mau), ông theo Dương Công Trừng đóng giữ ở Sa Đéc.
Năm Nhâm Dần (1782), bị quân Tây sơn bắt tại Thủ Thiêm (Sài Gòn), nhưng sau đó ông trốn thoát, sang Xiêm tìm chúa Nguyễn. Nhân lúc đó, chúa Nguyễn sai người về nước, ông liền trở lại hợp lực đánh chiếm đất Long Xuyên (Cà Mau).
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, phong ông làm Chưởng Chấn võ quân, tước Nhơn Quận công; giữ chức Lưu trấn Gia Định trấn đến năm 1805. 
Cuối năm ấy, vua Gia Long bình xong Bắc Hà, ông dâng sớ điều trần 14 khoản để xin chấn chỉnh nhiều việc, như: Định lại các sắc thuế; trọng dụng người hiền; cải cách phong tục; biểu dương người trinh tiết; định phép khoa cử; chấn chỉnh nghiêm việc quan lại; phát chẩn cho dân nghèo… Về thuế má, ông tâu với vua rằng: “Các hạng lão tật của dân đồn điền, xin từ nay về sau giảm bớt thóc thuế cho 5 phần 10. Lại khe ngòi xưa nay không có thuế, gần đây bọn lại gian mưu lợi thu nộp cả, làm cho rối dân, xin tha cho”.
Về giáo dục, ông đề xuất “Trị nước thì gốc ở nhân tài, hành chính thì trước lấy giáo hóa. Vừa rồi trời gây đen tối, người ở Gia Định nghiên bút bỏ hoang. Nay non sông dựng lại, đất nước lặng trong, chính là lúc học giả được thành nghiệp. Vậy xin định lại giáo điều, khiến cho học trò có đường tiến tới để đáp lại tấm lòng thánh thượng muốn xếp qua để giảng học”. Các điều trần của ông, vua đều theo.
Năm Mậu Thìn (1808), chấm dứt giai đoạn Gia Định trấn để trở thành Gia Định Thành, ông được cử làm Tổng trấn và Trịnh Hoài Đức làm hiệp Tổng trấn. Vậy, chính ông là vị Tổng trấn đầu tiên ở miền Nam kiêm lãnh hai trấn là Bình Thuận và Hà Tiên cho đến 1812 thì bàn giao cho Lê Văn Duyệt.
Năm 1819-1820, Nguyễn Văn Nhơn được cử làm Tổng trấn Gia Định Thành một lần nữa.
Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng triệu ông về kinh đô Huế sung chức Tổng tài ở Quốc sử quán, nhưng chỉ được một năm thì ông mất. Hay tin ông qua đời, vua cho nghỉ chầu 3 ngày, sai các quan đến dụ tế và ban tặng Thái bảo, thụy là Trung Cẩn; Cho 1.000 quan tiền, 300 lạng bạc, 2 cây gấm thêu bằng kim tuyến, 3 cây gấm Tống và 30 tấm lụa.
Thực lục chính biên chép: “Vua bảo Trịnh Hoài Đức rằng: Nguyễn Văn Nhơn là bậc đại thần huân cựu, là người trung thành cẩn hậu. Khi trẫm được tin ốm nặng, muốn thân tới thăm, nhưng nghĩ lễ vua tôi rất nghiêm, nếu cho phép nằm thì không dám yên tâm, mà gượng dậy thì lại mỏi mệt, cho nên trẫm thường sai hoàng tử đến thăm. Nay không may qua đời, thương tiếc vô cùng. Lại nói: Nhân bình nhật ăn mặc rất tiết kiệm, nay lễ tế điện trẫm muốn làm hậu”. Rồi đặc biệt sai xuất tiền kho, ủy cho đội Thị thiện hằng ngày làm cỗ nấu để cúng. Đến hôm đám đưa về Gia Định, vua ngự giá đến nhà, thân rót rượu cúng. Cho 100 binh đội hữu sai đưa đi. Đến ngày an táng, lại nghỉ chầu một ngày.
Đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), vua cho Chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhơn được thờ ở đền Trung hưng công thần và ân cấp 100 mẫu ruộng tự điền.
Năm Tân Mão (1831), ông lại được truy tặng làm Tráng võ tướng quân, Đô thống phủ Chưởng phủ sự, tước Kinh Môn quận công, thụy là Mục Hiến.
Ông có một người con gái gả cho vua Thiệu Trị là Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm.
(Còn tiếp...)

Nhận xét