Đến năm 1967 cục diện chiến tranh ở chiến trường Việt Nam đã có nhiều chuyển
biến quân ta vẫn giữ được thế chủ động trên chiến trường đã đẩy lùi được nhiều
cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mĩ đó là điều kiện thuận lợi để ta phát
triển thế và lực trên chiến trường Còn ở miền Bắc nước ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại
của Mĩ bằng không quân ,hải quân đồng thời
thực hiện nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Còn Mĩ và chính quyền Sài
Gòn cũng gặp nhiều khó khăn do đó chúng ta đưa ra một chủ trương táo bạo sẽ tiến
hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968. Cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy này có ý nghĩa to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta
nên cần có những nhận xét đánh giá về tầm
quan trọng cũng như những hạn chế của ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết
Mậu Thân và nó có tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với ta và địch trên cả
phương diện chính trị và quân sự.
Trước khi đi vào phần nhận định
đánh giá cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm Tổng tiến công và nổi dậy. Tổng tiến công và
nổi dậy là việc mở các chiến dịch có quy mô lớn có sự tham gia của quần chúng
nhân dân ở cả thành thị và nông thôn để
phá tan âm mưu, kế hoạch lớn của đối
phương , giành thắng lợi quyết định về mặt quân sụ và tạo thuận lợi trên bàn
đàm phán.
Đầu tiên chúng ta tìm hiểu về
ý đồ và quyết tâm chiến lược của cả phía ta và phía Mĩ trong cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Đối với Mĩ trong thời gian này gặp rất
nhiều bất lợi ở cả nước Mĩ và chiến trường Việt Nam. Cuối năm 1968 ở Mĩ đang diễn
ra cuộc bầu cử tổng thống ,các thế lực hiếu chiến ra sức tuyên truyền cho sức mạnh
quân sự của hải, lục, không quân Mĩ nhưng thực tế thất bại trong chiến tranh cục
bộ ở Nam Việt Nam và chiến tranh phá hoại
ở Bắc Việt Nam làm cho Mĩ phải bưng bít
tình hình chiến sự, càng quyết tâm tìm kiếm thắng lợi trong giải pháp quân sự.
Phía Mĩ vẫn tin vào sức mạnh quân sự của mình vẫn có thể xoay chuyển tình thế, họ liên tục tạo sức ép thúc giục
chính phủ Mĩ tăng quân sang miền Nam Việt Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc
Việt Nam, Mĩ dự kiến khoảng hai năm nữa sẽ kết thúc chiến tranh trong thắng lợi, với ý đồ chiến lược ấy cuối năm 1967 đầu năm 1968 Mĩ tăng thêm quân để chuẩn
bị cho kế hoạch phản công mùa khô 1967-1968.
Về phía ta từ nhận định tình
hình thực tế chiến trường lúc này "Ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch ở thế thua, thế bị động và
khó khăn. Mặt khác đây là năm bầu cử tổng thống Mĩ nên ta tranh thủ thời điểm nhạy cảm chính trị của nước Mĩ để thúc đẩy chiến tranh. Lúc này
cần phải có tác động lớn, nhanh, mạnh, kịp thời vào ý chí xâm lược của Mĩ buộc Mĩ phải xuống thang chiến tranh thay đổi
chiến lược chiến tranh. Từ những nhận định đó Đảng và Quân ủy trung ương đã tổ
chức các hội nghị để bàn về kế hoạch tác chiến trong năm 1968 như hội nghị bàn
về chủ trương mới năm 1968 của cách mạng miền Nam tháng 12 năm 1967 hay qua các
bức thư mà đồng chí Lê Duẩn gửi vào Nam.Với ý đồ chiến lược của trung ương lúc này là tận
dụng lúc Mĩ đang thất bại sau hai cuộc
phản công chiến lược ở miền Nam cùng thời điểm chính trị nhạy cảm ở Mĩ trước cuộc bầu cử tổng thống, khi giới cầm quyền
Mĩ đang ngập ngừng về việc có nên tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam hay không ?. Dùng cách
đánh mới chưa từng thực hiện trên chiến trường,chuyển hướng tiến công chiến lược
chủ yếu từ rừng núi, nông thôn vào đô thị, giáng một đòn thật mạnh và bất ngờ
vào ý chí xâm lược của Mĩ, kéo Mĩ xuống thang chiến tranh cách đánh mới này phải
táo bạo, bất ngờ thể hiện trên các phương diện hướng tiến công chủ yếu, mục
tiêu tiến công, không gian và quy mô tiến công và thời gian tiến công rất bất
ngờ với địch là vào đêm giao thừa Tết
nguyên đán. Về sách lược bộ chính trị đề ra tập trung mũi nhọn đấu tranh nhằm
phân hóa, chia rẽ, và cô lập Mĩ với chế độ Sài Gòn của Thiệu-Kì, tiến tới thành
lập chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, kêu gọi các tầng lớp
nhân dân đoàn kết cùng mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Về ngoại giao bộ
chính trị nêu rõ là phải tranh thủ cao độ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ
nghĩa, trong tình hình Liên Xô - Trung Quốc mâu thuẫn sâu sắc ta chủ trương giữ
mối quan hệ tốt giữa hai nước tránh quá nghiêng về một bên sẽ làm xấu đi quan hệ
với nước còn lại.
Với những nhận định tình hình
thực tiễn giữa ta và Mĩ ,Trung ương đảng bộ chính trị đã tổ chức các hội nghị để
bàn về chủ trương tác chiến và thực hiện công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công
và nổi dậy năm 1968. Thượng tuần tháng 12 năm 1967, địch bắt đầu điều động quân
lên vòng cung phía Bắc Sài Gòn , hình thành nên thế bao vây trên các bàn đạp xuất
phát tấn công. Ngày 08 tháng 12 năm 1967 địch bắt đầu mở cuộc hành quân hòn đá
vàng mở đầu cho cuộc phản công chiến lược
lần thứ ba. Biết được ý đồ của địch, đêm
ngày 20 tháng 1 năm 1968 , quân giải phóng tấn công một loạt vị trí địch trên
tuyến Đường số 9-Khe Sanh (Quảng Trị), Westmoreland cho thành lập ngay sở chỉ
huy tiền phong tại vùng chiến thuật 1 để kịp thời đối phó với tình hình, Mĩ vội
điều quân ra mặt trận phía Bắc. Đây là một trận nghi binh tuyệt vời của quân giải
phóng để giữ yếu tố bất ngờ cho các hướng
tiến công quan trọng. Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 1 năm 1968(giao thừa Tết Mậu
Thân theo lịch miền Bắc) khu 5 và Tây Nguyên nổ súng tấn công, đêm 29 rạng sáng
30 tháng 1 năm 1968 (theo lịch miền Nam) Nam Bộ nổ súng tấn công.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy
tết Mậu Thân chia làm 3 đợt.Đợt 1 các mũi tiến công chính của chúng ta là Sài Còn, các chiến trường Trị Thiên, khu 5, Trung Trung Bộ, Đông Nam Bộ,
Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ đồng loạt tiến công ở các vị trí địch ở khắp thành
thị và nông thôn.Trong những ngày đầu xuân Mậu Thân (31/1 đến 2/2/1968) chiến sự
diễn ra ác liệt trên toàn miền Nam.Từ giữa tháng 2 năm 1968 trở đi, lợi thế so
sánh lực lượng vũ trang và sức cơ động ,vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch đã gây cho ta nhiều tổn thất khi kết thúc đợt 1 Tổng tiến công. Do tình hình chiến sự ác liệt nên đời sống nhân dân trong các thành thị gặp nhiều khó
khăn. Về phía địch mặt dù địch đã co về phòng giữ nội thành và vùng ven để đối phó với tiến công của cách mạng,
nhưng chúng còn nhiều sơ hở, chưa phải
là hết các yếu tố bất ngờ đối với chúng nếu cuộc tiến công của cách mạng lại tiếp
diễn.
Ngày 24 tháng 4 năm 1968, bộ
chính trị và Quân ủy Trung ương họp phân
tích đánh giá tình hình, đề ra chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích, tổng
khởi nghĩa đợt hai nhằm duy trì thế tiến công cách mạng trên quy mô lớn làm áp
lực cho việc buộc địch phải xuống thang chiến tranh. Ý đồ chiến lược trong đợt hai là vây hãm Khe Sanh, kìm giữ và diệt địch ở chiến trường đường 9, Trị Thiên, Tây Nguyên, tiếp tục tổng
công kích tổng khởi nghĩa ở trọng điểm Sài Gòn – Gia Định và đẩy mạnh tiến công
Huế, Đà Nẵng thời gian từ ngày 4/5/1968 đến hết tháng 6 năm 1968. Từ giữa tháng
2 năm 1968 địch bắt đầu phản kích mạnh và trong đợt hai (tháng 5-6/1968), quân
Mĩ và quân sài Gòn ra sức củng cố thế phòng ngự thành nhiều tuyến, nhất là ở
Sài Gòn để phản kích quyết liệt hơn. Xuất phát từ quan điểm tổng công kích, tổng
khởi nghĩa là một quá trình tiến công
liên tục khu 5 đề nghị tiếp tục mở đợt ba. Trong khi đó ở Nam Bộ, Trung ương cục
đề nghị Trung ương không tấn công đợt ba vào thành phố đồng thời chỉ đạo chuyển
hướng hoạt động để bảo tồn cơ sở nhằm tiếp tục duy trì phong trào kháng chiến.
Từ ngày 17-8 đến ngày 20-9 năm 1968, đợt ba Tổng tiến công diễn ra chủ yếu ở
khu 5, Trị Thiên. Nhìn chung các đợt hai và ba không đạt được mục tiêu đề ra, mặc dù trong thực tế có làm cho quân Mĩ, quân đội và chính quyền Sài Gòn không thể
chủ động đối phó với tình hình và chúng phải tiếp tục chịu nhiều áp lực về việc
phải thay đổi chiến lược chiến tranh. Trong các đợt tấn công này lực lượng cách
mạng bị tổn thất khá lớn:toàn miền năm
1968 có 13.295 cán bộ chiến sĩ hi sinh
và bị thương, mất tích, bị bắt, bị lạc, đầu hàng,Trong đó từ khu 6 đến khu 9
năm 1968 có 53.566 cán bộ chiến sĩ hi sinh và bị thương, mất tích, bị bắt, riêng miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn có 34.447 cán bộ chiến sĩ hi sinh và bị
thương, mất tích, bị bất.
Sau khi tìm hiểu sơ lược về chủ
trương, kế hoạch của cả hai phía ta và Mĩ . diễn biến của cuộc tiến công và nổi
dậy Tết Mậu Thân năm 1968 chúng ta đi đến một số nhận định đánh giá tác động, ảnh
hưởng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đối với lực lượng cách mạng, quân đội
Mĩ và quân đội, chính quyền Sài Gòn, đồng thời đánh giá thắng lợi và hạn
chế trong của ta trong của tổng tiến công.
Trước hết là những thắng lợi
mà lực lượng cách mạng ta đã dành được , cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm
1968 là một đòn chính trị và quân sự lớn đánh vào đầu não của cả chế độ chính
trị và bộ máy chiến tranh của Mĩ ở Miền Nam Việt Nam, tại nơi chúng vẫn coi là
bất khả xâm phạm. Bất ngờ lớn nhất của Mĩ và chính quyền Sài Gòn chính là ở chỗ chúng không ngờ bị tấn
công vào những yết hầu và đầu não của
chúng một cách toàn diện và nhanh chóng
như thế. Lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam toàn bộ hệ thống
phòng thủ đô thị của Mĩ và chế độ Sài
Gòn bị tấn công hậu phương và hậu cứ của
địch bỗng chốc trở thành chiến trường.Trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch năm 1968, quân và dân ta làm cho một bộ phận lớn sinh lực địch bị loại ra
khỏi vòng chiến đấu, một bộ phận vũ khí cho chiến tranh của chúng bị thiệt hại.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là Mĩ bị hạ uy thế cả về quân sự và chính trị ở
ngay nơi mà chúng mạnh nhất và an toàn
nhất. Lực lượng cách mạng đã giáng một đòn
quyết liệt vào thế của quân đội Mĩ trên chiến trường Việt Nam, làm suy giảm ảnh hưởng và vị trí của
chính quyền và quân đội Sài Gòn ở cả
thành thị và nông thôn khiến cho giới lãnh đạo của nước Mĩ phải bàng hoàng, sửng
sốt, một đòn mạnh đánh vào ý chí xâm lược của chúng. Cuộc Tổng tiến công cũng
chứng tỏ sự cố gắng của lực lượng vũ trang khi so sánh lực lượng còn chênh lệch.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn thú nhận
trong hai tháng từ tháng hai đến tháng 3 năm 1968, quân đội Sài Gòn bị tổn
thất 20.977 (có 4,954 chết), quân Mĩ và Đồng minh tổn thất 24.013 (có 4,124 chết).Trên
nhiều vùng nông thôn rộng lớn, quần chúng nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của chế
độ Sài Gòn giành quyền làm chủ cho 2,1
triệu dân.
Thắng lợi của lực lượng cách mạng
không chỉ làm tiêu hao lực lượng của dịch mà còn làm đảo lộn kế hoạch chiến lược
quân sự của địch,đẩy chúng lún sâu vào thế phòng ngự bị động. Bộ trưởng quốc
phòng Mĩ McNamara một trong những kiến trúc sư của chiến lược chiến tranh Việt
Nam thời kì này đã phải từ chức vì không thấy lối ra cho cuộc chiến. Ngày 25/3/1968 tổng thống Mĩ triệu tập hội đồng an
ninh quốc gia để xem xét lại toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam và tổng thống Mĩ Jonhson đã đưa ra những quyết định: ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến
20 trở ra và tìm giải pháp chính trị cho
cuộc chiến tranh,từ bỏ chiến lược “tìm và diệt” và thay cho chiến lược “quét và
giữ”, từng bước thực hiện "phi Mĩ hóa" chiến
tranh”, giảm dần sự dính liền trên bộ của Mĩ ở miền Nam Việt Nam. Điều đó cho
thấy rằng ý chí xâm lược của Mĩ đã bị lung lay, đường lối chiến lược bị đảo lộn chiến lược chiến tranh cục bộ đến
đây cơ bản bị thất bại, như thế cuộc chiến
tranh xâm lược thực dân mới của Mĩ đã và đang đi đến sự ngã mũ thắng bại về quân
sự . Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 đã đưa cách mạng miền Nam lên bước
phát triển cao nhất ,Hội nghị ban chấp hành trung ương đảng lần thứ 21 tháng 10
năm 1973 đã đánh giá “cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã giành được
thắng lợi rất to lớn, buộc Mĩ phải thay đổi chiến lược quân sự của chúng”.
Đó là thắng lợi của sự kết hợp
những ý đồ táo bạo trong chiến tranh
cùng với sức mạnh của chiến tranh nhân dân
trong thời kì các lực lượng vũ trang đã phát huy được quyền chủ động của mình trên chiến trường đánh đòn mạnh
vào ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và chịu ngồi với Việt Nam để bàn giải pháp kết
thúc chiến tranh. Và đồng thời đợt Mậu Thân là một cuộc võ trang tuyên truyền lớn
nhất, sống động nhất khiến cho quần
chúng thành thị hiểu rõ hơn mục đích
cách mạng dưới cờ mặt trận giải phóng .
Cùng với những thắng lợi đó
trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 lực lượng cách mạng của ta gặp
không ít khó khăn cũng như hạn chế, khuyết điểm trong chiến lược tác chiến.lực
lượng giải phóng gặp nhiều khó khăn vì tương quan lực lượng chênh lệch nhất là ở
thành phố và đô thị chỉ có đặc công và biệt động nhiều đơn vị chủ lực vẫn ở bên
ngoài chưa triển khai kịp vào thành phố, chưa phối hợp được với lực lượng bên
trong để tiến công địch, các mục tiêu cần
chiếm thì quá nhiều và quá lớn lại có những vị trí chưa được điều tra tìm hiểu
cặn kẽ để xây dựng phương án tác chiến, ta muốn tạo yếu tố bất ngờ nhưng sự chuẩn
bị của lực lượng vũ trang và lực lượng
chính trị đã không theo kịp nhu cầu và ý đồ chiến lược.
Việc nhằm vào đô thị trọng điểm
sài gòn là rất táo bạo nhưng đặt mục tiêu quá cao với tổng công kích kết hợp với
tổng khởi nghĩa , đặc biệt là yêu cầu đánh-chiếm-giữ-giải phóng các mục tiêu mà
địch không thể bỏ được. Kế hoạch chuẩn bị chưa chu đáo tỷ mỉ nên khi bước vào
thực hiện có nhiều chập choạng. Do yêu cầu bảo vệ hậu phương nên việc thống nhất
ngày giờ hành động chưa chặt chẽ và gấp gáp, lực lượng bên ngoài các phân khu
không kịp hành quân phối hợp. Sự giao tranh ở các mục tiêu vô cùng ác liệt mà sự
tiếp ứng bị chệch choạc hoặc không thể thực hiện được dẫn đến sự hi sinh, tổn thất lực lượng cách mạng
là rất lớn, nhiều nơi các chiến sĩ biệt động phải chiến đấu đến viên đạn cuối
cùng và phải chịu hi sinh, bị thương, bị bắt đến người cuối cùng.Tổn thất của lực
lượng cách mạng trong và sau tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 rất nặng nề. Cơ
sở cách mạng trong một số thành phố , thị xã tan vỡ, phong trào đấu tranh chính
trị bị giảm sút, nhiều nơi ở nông thôn bị mất đất, mất dân.Tổn thất về lực cũng
làm giảm sút thế chiến lược tiến công của cách mạng miền Nam, gây hậu quả khó
khăn kéo dài đến nhiều năm sau đó.
Mặc dù có những tổn thất và cả những khuyết điểm, hạn chế, cuộc
tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 vẫn giữ vững một vị trí to lớn và oanh liệt trong cuộc
kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết
Mậu Thân năm 1968 là mốc lịch sử có ý nghĩa phân định thắng-thua về chiến lược
quân sự trong cuộc chiến tranh. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ” đó là thắng lợi của đường lối cách
mạng đúng đắn của đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của
toàn dân đoàn kết quyết chiến, chiến thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc
tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Hay là lời bình luận của tờ Le
Figaro (Pháp) ngày 2-2-1968 “Cuộc tiến công lừng danh của Việt Cộng cho ta thấy trước hết cái tài tình
của những người chỉ huy trong việc hướng dẫn cuộc chiến tranh vừa quân sự vừa
chính trị này. Về mặt đối nội họ vừa thu được một thắng lợi lớn, họ chứng tỏ
cho nhân dân Việt Nam thấy rằng họ có thể đánh nơi nào và lúc nào cũng được hết.
Họ làm cho chính phủ Sài Gòn và quân đội của chính phủ này trở thành một trò cười
.Họ tăng cường sự kiểm soát của họ và do
đó làm giảm bớt sự kiểm soát của quân đội
Sài Gòn đối với dân thường, những người dân thường này thì đây lòng kính
nể và khâm phục đối với lực lượng giải phóng”.
Người viết: Trần Nguyễn Ngọc Trâm
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội
Và Nhân Văn, Khoa lịch Sử, Xuân Mậu Thân 1968 Tầm vóc một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018.
2.https://vi.wikipedia.org/wiki/su-kien-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-xuan-Mau-Than-nam-1968.
3. Hà Minh Hồng, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Tủ sách Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn , năm 1997.
4. Lichsu247.com
5. Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục
Việt Nam, năm 2015.
Nhận xét
Đăng nhận xét