Tác giả: Phạm Thị Hoa - Bộ môn Lý luận chính trị
Đối
với chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì “quan hệ sản xuất” là một trong những khái
niệm cơ bản, góp phần phản ánh cấu trúc và logic vận động của các hình thái
kinh tế - xã hội. Lênin cho rằng: “Chỉ có đem những quan hệ xã hội vào những
quan hệ sản xuất (QHSX) và đem những QHSX vào trình độ của những lực lượng sản
xuất (LLSX) thì ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển
của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”.
[1.163].
QHSX
là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất (sản xuất và tái sản
xuất). Trong quá trình sản xuất nảy sinh nhiều mối quan hệ, nhưng ở đây ta
chỉ xét ba mối quan hệ cơ bản mà C.Mác coi đó là ba mặt của QHSX. QHSX gồm ba
mặt cơ bản sau đây:
- Quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản
xuất: Nói lên rằng trong quá trình sản xuất, người lao động đang sử dụng những
TLSX đó của ai, và ai là người có quyền định đoạt TLSX đó. Trong QHSX, quan hệ
sở hữu đối với TLSX đóng vai trò quyết định vì nó quyết định bản chất của QHSX.
- Quan hệ trong tổ chức quản lý và
phân công lao động: Nói lên địa vị và vai trò của các tập đoàn khác nhau, nói
lên sự trao đổi giữa các tập đoàn xã hội với nhau. Tuy phụ thuộc vào quan hệ sở
hữu đối với TLSX, nhưng trong thực tế quan hệ trong tổ chức, quản lý và phân
công lao động cũng có vai trò rất quan trọng. Ngay cả khi chế độ sở hữu chưa có
gì thay đổi, nhưng nếu có một phương thức quản lý hợp lý thì sản xuất vẫn có
bước phát triển.
- Quan hệ phân phối sản phẩm lao
động: Là cách thức phân phối kết quả sản xuất cho những quan hệ với quá trình
đó, điều đó phụ thuộc vào quan hệ của họ đối với TLSX, nhưng nếu phân phối công
bằng sẽ thúc đấy quá trình sản xuất phát triển.
Ba mặt nói trên quan hệ hữu cơ với
nhau, không tách rời nhau. Trong đó quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất có
ý nghĩa quyết định đối với những quan hệ khác. Bản chất bất kỳ QHSX nào cũng
đều phụ thuộc vào vấn đề TLSX chủ yếu trong xã hội giải quyết như thế nào.
QHSX có vai trò to lớn trong sự phát
triển xã hội. Khi QHSX phù hợp với trình độ phát triển của LLSX tạo thành quy
luật thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Cùng với quá trình phát triển của lực
lượng sản xuất, QHSX phù hợp đã thúc đẩy xã hội loài người lần lượt phát triển
qua năm hình thái kinh tế - xã hội: Công xã nguyên thủy (Cộng sản nguyên thủy),
Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa.
Vậy QHSX có vai trò như thế nào trong sự
phát triển nền kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện
nay?
Ở nước ta, nền kinh tế trị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng ta xác định từ Đại hội VII: “Phát
triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa”
và được tiếp tục khẳng định qua các Đại hội VIII, IX và X.
Do điểm xuất phát đi lên chủ nghĩa xã
hội (CNXH) của nước ta còn thấp cả về LLSX và QHSX, nên việc xây dựng từng bước
QHSX mới để thúc đẩy sản xuất phát triển và xã hội phát triển là một yêu cầu
tất yếu. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH tính đan xen tác động lẫn nhau trong
QHSX thể hiện ở chỗ sự tồn tại của nhiều QHSX: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập
thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài đã phát huy tác dụng và đã thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển.
Trong các thành phần kinh tế trên, Đảng
ta đã xác định kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước
phải thực sự nắm giữ những ngành, những lĩnh vực kinh tế trọng yếu, mũi nhọn
phải đi đầu trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu qủa. Kinh tế nhà
nước phải không ngừng tăng cường, cũng cố và phát triển làm chỗ dựa để nhà nước
thực hiện có hiệu lực chức năng điều tiết, quản lý vĩ mô nền kinh tế theo định
hướng XHCN. Cùng với kinh tế hợp tác (nòng cốt là hợp tác xã) dần dần trở thành
nền tảng của nền kinh quốc dân và chế độ xã hội mới. Đối với kinh tế tập thể, đây là thành phần
kinh tế dựa trên hình thức sở hữu tập thể về TLSX. Kinh tế tập thể phát huy
được sức mạnh tập thể mà từng cá nhân không thể có được. Kinh tế tập thể sẽ
không ngừng củng cố và phát triển, cùng với kinh tế nhà nước sẽ trở thành nền
tảng của nền kinh tế quốc dân. Phải đổi mới kinh tế tập thể làm cho nó trở nên
đa dạng phong phú hơn, có như thế mới huy động vốn dưới nhiều hình thức và làm
ăn có hiệu quả hơn.
Một đất nước vừa phát triển theo định
hướng XHCN lại vừa thừa nhận sự tồn tại và phát triển của thành phần kinh tế tư
bản chủ nghĩa. Điều đó không phải là nghịch lý, vấn đề đặt ra ở đây chúng ta sử
dụng nó như thế nào để nhanh chóng phát triển LLSX mà vẫn xây dựng đất nước
theo định hướng XHCN. Thành phần kinh tế tư bản nhà nước được Đảng ta chủ trương
áp dụng rộng rãi phổ biến các hình thức kinh tế tư bản nhà nước để phát triển
LLSX theo định hướng XHCN. Đối với các thành phần kinh tế khác, Đảng ta xác
định cần có sự hướng dẫn, hướng kinh tế cá thể, tiểu chủ theo lợi ích thiết
thân và nhu cầu phát triển, từng bước đi vào làm ăn hợp pháp một cách tự
nguyện, hoặc làm vệ tinh cho các doanh nghiệp nhà nước hay hợp tác xã. Mặt
khác, khuyến khích kinh tế tư bản tư nhân đi vào con đường liên doanh với nhà
nước, bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp, tạo mối quan hệ hợp
tác cùng có lợi cho chủ và thợ. Để thực hiện công nghiệp hoá (CNH), hiện đại
hoá (HĐH) đất nước, chúng ta cần sử dụng kinh tế tư bản nhà nước như một công
cụ hữu hiệu, bắt nhà tư bản phải cày trên “mảnh đất vô sản” biến thành phần
kinh tế tư bản nhà nước thành “một trợ thủ đắc lực cho CNXH”. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là
thành phần kinh tế mới xuất hiện trong những năm gần đây ở nước ta, sự phát
triển của thành phần kinh tế này cho phép chúng ta tranh thủ được khối lượng to
lớn từ nước ngoài về vốn, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm tổ chức quản lý kinh
tế, mở rộng thị trường nước ngoài, giải quyết việc làm, trong nước, góp phần
khai thác và sử dụng hiệu quả hơn tiềm năng kinh tế ở nước ta.Vì thế, chủ
chương của nhà nước là tạo điều kiện thuận lợi cho thành phần kinh tế này phát
triển; hướng vào xuất khẩu.
Như vậy, chính sách phát triển nền kinh tế
hàng hóa nhiều thành phần của Đảng ta thật sự khơi dậy tiềm năng của các thành
phần kinh tế. Tính tích cực chủ động sáng tạo của của nhân dân được phát huy,
sản xuất, kinh doanh phát triển và đã thật sự thúc đẩy LLSX phát triển, đời
sống nhân ổn định và phát triển. Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã chỉ rõ: “Nếu
CNH, HĐH tạo nên LLSX cần thiết cho chế độ mới thì việc phát triển nền kinh tế
hàng hóa nhiều thành phần chính là để xây dựng hệ thống QHSX phù hợp”.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và
phát triển QHSX chúng ta cũng có những thiếu sót, đúng như Đại hội VIII của
Đảng ta đã đánh giá: “Trong thời gian qua việc lãnh đạo QHSX, vừa có phần lúng
túng, vừa có phần buông lỏng, chậm tháo gở các vướng mắc về cơ chế, chính sách,
để tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu
quả hoạt động, phát huy vai trò trong nền kinh tế quốc dân. Việc thí điểm cổ
phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chậm, chưa quan tâm tổng kết thực tiễn, chưa
kịp thời chỉ ra phương hướng, biện pháp đổi mới kinh tế hợp tác xã để hợp tác
xã ở nhiều nơi tan rã hoặc chỉ còn hình thức, cản trở sản xuất phát triển. Chưa
giải quyết tốt một số chính sách để khuyến khích kinh tế tư nhân phát huy tiềm
năng, đồng thời chưa quản lý tốt thành phần kinh tế này, quản lý liên doanh với
nước ngoài còn nhiều sơ hở”. [4.65-66]. Vì thế, để phát triển QHSX khai thác
tốt vai trò của QHSX đối với sự phát triển kinh tế ở nước ta, cần phải có những
giải pháp thích hợp.
Những giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò
của QHSX trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta
Thứ nhất, việc xây dựng QHSX ở nước
ta phải xuất phát từ thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước, từ nhận thức
tính quy luật từ nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn và những đặc điểm của
thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.
Thứ hai, trong xây dựng hoàn thiện
QHSX mới cần chú trọng cả ba mặt: Chế độ sở hữu, chế độ quản lý và chế độ phân
phối:
- Về sở hữu, vẫn sẽ phát triển theo
hướng còn tồn tại các hình thức sở hữu khác nhau, nhiều thành phần kinh tế khác
nhau trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tiêu chuẩn căn bản để đánh
giá hiệu quả xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thúc
đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân và thực hiện
công bằng xã hội nên phải từng bước xác lập và phát triển chế độ sở hữu công
cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu một cách vững chắc, tránh nóng vội xây dựng ồ
ạt mà không tính đến hiệu quả như trước đây.
- Về quản lý, trong kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa phải có sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, kế
hoạch, chính sách đồng thời sử dụng cơ chế thị trường, các hình thức kinh tế và
phương pháp quản lý kinh tế thị trường để kích thích sản xuất, giải phóng sức
sản xuất, phát huy tính tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực, khuyết tật của
cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của người lao động và toàn thể nhân dân.
- Về phân phối, kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện đa dạng hoá các hình thức phân phối.
"Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh
tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc
lợi xã hội”. Cơ chế phân phối này vừa tạo động lực kích thích các chủ thể kinh
tế nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời hạn chế những bất
công trong xã hội. Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ, công
bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.
Thứ 3, phải duy trì tính định hướng
xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường nước ta, tức là phải thực hiện tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát
triển văn hóa, giáo dục, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò
chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, giáo dục và
đào tạo con người, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
Tóm lại: Chủ trương xây dựng và phát triển
nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện trình độ tư duy,
và vận dụng của Đảng ta về quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với
tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đây cũng chính là mô
hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
-----------------------------------------
1. V.I.Lênin- Toàn
tập, tập 4. Nxb tiến bộ Mát- xcơ va, 1974. (tiếng việt)
2. Phan thanh Phố-
Xây dựng QHSX trong thời kỳ đẩy mạng CNH, HĐH. Tạp chí cộng sản, số 2, 1998.
3. Trương Hữu Hoàn.
Tìm hiểu tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen về quy luật phù hợp của QHSX với LLSX.
Tạp chí triết học, số 3, 1994.
4. Đảng cộng sản
Việt Nam- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 1991
5. Các văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần VI. VII. VIII, IX và X.
6. Tạp chí triết học
các số 2008.
Trần Hoàng (sưu tầm)
Nhận xét
Đăng nhận xét