Cơ sở hình thành chế độ ruộng đất ở Việt Nam từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX

Nguồn ảnh: bnews.vn
Từ hàng ngàn năm trước công nguyên, với những thành tựu của kĩ thuật luyện kim đồng thau và nghề trồng lúa nước, tổ tiên của người Việt đã từng bước mở rộng từ vừng trung du xuống vùng châu thổ các sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Lam, khai phá đất đai, mở rộng vùng cư trú. Quá trình khai phá lâu dài và sáng tạo của người dân lao động đã sớm tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn, nuôi sống hàng triệu con người. Lãnh thổ ngày càng mở rộng. Đầu thế kỉ X, khi chính quyền đô hộ nhà Đường bị lật đổ, lãnh thổ người Việt đã bao gồm cả vùng đất chạy dài từ Lạng Sơn cho đến dải Hoành Sơn. Quá trình lao động cần cù, khai phá đất hoang, rừng rậm, đầm lầy thành đồng ruộng tốt tươi được tiếp tục với một nhịp độ khẩn trương. Với điều kiện dó, dân số cũng tăng nhanh. Quá trình mở rộng lãnh thổ luôn luôn diễn ra và cho đến ngày nay nước Việt Nam có một lãnh thổ rộng khắp từ bắc chí nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Cùng với đó, vùng bờ biển Việt Nam đã trải qua một quá trình biến đổi và khai phá lâu dài. Theo các tài liệu, địa chất thì vùng bờ biển phía đông bắc Việt Nam nói chung tương đối ổn định, còn vùng đông nam, từ Thái Bình trở vào, do phù sa của các con sông, nhất là sông Hồng bồi lấp dần mà lan rộng mãi ra. Chẳng hạn, vùng ven biển phía Nam tỉnh Nam Định hằng năm lấn ra biển từ 80 -100m. Đất cửa Bố Hải ở thế kỉ X, đất ven biển, nơi đóng quân của sứ quân Trần Lãm, thế mà đến nay, đất ấy thuộc thị xã Thái Bình cách bờ biển trên 14000m. Sự lấn biển diễn ra mạnh mẽ qua thời gian. Đây chính là điều kiện tự nhiên, song cũng do quá trình khai phá, khẩn hoang của con người tác động vào. Hầu như vùng bờ biển Việt Nam đều mang một tình trạng tương tự.
Cũng từ việc vùng đất châu thổ nàu mỡ ngày càng được mở rộng, công cuộc khẩn hoang lập làng được tiến hành khẩn trương vào đầu thế kỷ độc lập. Đây là một hoạt động rộng khắp vừa do nhà nước tổ chức, vừa do nhân dân tự động tiến hành. Do đó, nhiều xóm làng được hình thành. Đây là sự kế thừa truyền thống cố kết cộng, mà ở Việt Nam, nó lại ảnh hưởng lâu đời, và đây là cơ sở để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Sau khi giành độc lập, quá trình khẩn hoang, lập làng, lập ấp diễn mạnh mẽ. Đồng thời, làng là nơi sở hữu ruộng công lâu đời. Đây chính là tư liệu sản xuất chủ yếu mà hầu hết được sử dụng vào việc công cũng như thúc đẩy quá trình tư hữu hóa sau này.
Với sự phát triển của nông nghiệp trồng lúa nước, thì vấn đề trị thủy, thủy lợi luôn được các triều đại quan tâm. Đây là cơ sở duy trì sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp, cơ bản của kinh tế thời phong kiến. Từ thời Hùng vương, theo truyền thuyết còn để lại, công tác trị thủy, bảo vệ mùa màng đã được tiến hành điều đặn hằng năm. Và cho tới các triều đại phong kiến sau này cũng đã tiến hành đắp đê, ngăn lụt, …
Để làm được điều đó, cần có một tổ chức quản lí tối cao ra đời. Đáp ứng yêu cầu trị thủy, phát triển nông nghiệp, quản lí xã hội mà nhà nước đã ra đời. Nhà nước Văn Lang là nhà nước đầu tiên. Đồng thời, quá trình hình thành các hình thức sở hữu ruộng đất trong thời kì Văn Lang – Âu Lạc và sau này là hơn ngàn năm Bắc thuộc, nhà nước phong kiến Việt Nam sau này được hình thành với những điều kiện đặc biệt.
Như chúng ta thấy rằng từ thời dựng nước, sở hữu công làng xã đã chiếm ưu thế tuyệt đối. Biểu hiện của nó rõ nhất là ruộng đất thuộc về làng xã, người dân tự cai quản, lao động và sở hữu ruộng đất. Đại diện cho làng xã là Bồ chính (già làng). Bồ chính phân chia ruộng đất cho các gia đình với điều kiện họ thuộc vào làng xã, là thành viên của làng xã và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định đối với làng xã. Mức độ phân phối giữa các đơn vị trong làng xã có thể không đồng đều, bởi lúc này đã xuất hiện sự phân hoá trong công xã, xuất hiện sự tư hữu tư liệu sản xuất… xuất phát từ thực tế công cụ lao động bằng đồng, sắt ra đời làm tăng năng suất lao động, dẫn đến sự phân hoá giữa các làng xã dù chỉ ở mức sơ khai. Qua các di tích khảo cổ và sử sách cũ ta thấy hình thức sở hữu tư nhân hầu như chưa phát triển nhưng đã có những mầm móng đầu tiên vào cuối thời Đông Sơn.
Trải qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc, quan hệ sản xuất phong kiến phương Bắc đã xâm nhập trong đời sống nhân dân các công xã. Trước sự xâm lược của ngoại bang, nhân dân tập trung, co cụm lại như một phản ứng tất yếu, hình thành thế ứng xử của làng xã trước Nhà nước. Điều này đã làm chững lại quá trình phân hoá của làng xã. Ruộng đất công thời kỳ này vẫn được giữ nguyên, bảo lưu, chưa bị biến thành ruộng đất tư. Người nông dân trong làng xã cùng nhau cày cấy, lao động, tham gia công việc trị thuỷ và cùng hưởng thành quả mà chưa bị Nhà nước can thiệp. Cùng với những biến chuyển về kinh tế, trong xã hội hình thành lớp hào trưởng địa phương, có thế lực kinh tế ngày càng mở rộng dù bị chính quyền đô hộ chèn ép, khống chế. Do sự bất lực của chính quyền đô hộ trong việc kiểm soát làng xã người Việt, họ vẫn giữ vai trò quan trọng ở địa phương. Ruộng đất công xã bắt đầu chịu sự chi phối của tầng lớp này, tư hữu hoá diễn ra. Sự chuyển biến xã hội và kết cấu giai cấp của Âu Lạc cũ còn chịu tác động bởi chính sách của các triều đại phương Bắc, chi phối ngày càng sâu vào tổ chức của xã hội cổ truyền người Việt. Điển hình là việc nhà Đường cho kê khai số hộ, định thuế các loại tô, dung, điệu và sau đó đổi lại là phép lưỡng thuế, cho phép các chính quyền đô hộ cướp đoạt ruộng đất của dân ta làm ruộng công cho chính quyền đô hộ quản lý, ban cấp ruộng đất, chức phận cho bọn quan lại cao cấp. Xã hội Việt Nam đã hình thành một tầng lớp địa chủ ít nhiều có thế lực ở địa phương thuộc nhiều nguồn gốc, xu hướng chính trị khác nhau. Trong thời kỳ này cùng tồn tại hai xu hướng: duy trì, bảo tồn và chi phối, can thiệp trong đó xu hướng thứ nhất dành ưu thế. Sở hữu công làng xã vẫn chiếm ưu thế.
Song một thực tế không thể không thừa nhận, trải hơn một ngàn năm dưới ách đô hộ của các triều đại phương Bắc, đất nước Âu Lạc của người Việt cổ đã có nhiều đổi thay. Mặc dầu luôn bị kìm hãm, áp bức nặng nề, nhân dân ta vẫn cố gắng vươn lên. Ruộng đất ngày càng được mở rộng, nông nghiệp lúa nước từng bước đạt được cải tiến, xã hội cũng bắt đầu có sự phân hoá sâu sắc. Ở các vùng gần trung tâm chính trị, xuất hiện một số trại chủ, địa chủ hoặc người Hán, người Hán Việt hoá hoặc tù trưởng địa phương, đồng thời cũng xuất hiện một tầng lớp nông dân phụ thuộc ở nhiều mức độ khác nhau, mặc dầu phần lớn các làng vẫn giữ được trạng thái cổ truyền của mình với tuyệt đại đa số nông dân là người tự do. Bên trên, chế độ đô hộ của các triều đại phương Bắc với những thiết chế, quan chế, quan chức của nó ngày càng đầy đủ và trở nên khá quen thuộc. Đến thế kỷ X, sau khi giành được độc lập hoàn toàn, phong kiến hoá đã trở thành một xu thế tất yếu. Các quan hệ ruộng đất tồn tại thời Bắc thuộc và đầu thế kỷ X vẫn tiếp tục duy trì theo quan niệm “đất vua chùa làng”. Dưới thời họ Khúc, chính quyền dân tộc đầu tiên đã có thể ban hành chính sách “quân bình thuế” và “tha bỏ lực dịch” để khẳng định quyền chi phối của mình đối với toàn bộ ruộng đất trong nước. Ý thức về quyền lực tập trung của Nhà nước quân chủ dần dẫn đến sự hình thành quan niệm về quyền sở hữu tối cao của Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trong nước.
Như vậy, với những điều kiện, cơ sở như trên, chế độ ruộng đất ở Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX đã hình thành và là sự kế thừa của các thế kỉ trước. Đồng thời, nó cũng mang lại những dấu ấn cho ngày nay. Và cũng từ thời Bắc thuộc, chúng ta thấy rằng những hình thức sở hữu mới về ruộng đất đã xuất hiện (sở hữu tối cao của nhà nước, sở hữu tư nhân) cùng với đó là sự tồn tại của sở hữu công làng xã. Cùng với sự phân hóa và phát triển của xã hội, những hình thức sở hữu này sẽ phát triển và dần dần thay đổi vị trí của mình.

Người viết: Dương Thị Giàu
(trích từ bài tiểu luận Chế độ ruộng đất ở Việt Nam từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX)


Nhận xét