Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Theo Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở, khái niệm "sắc phong" được định nghĩa như sau:
"Sắc phong (敕封) hay sách phong (册封) là văn bản truyền
mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những
người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các
đình đền trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Văn kiện sắc phong thường làm
bằng loại vải hay giấy đặc biệt."
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu về chủ đề Lịch sử ngoại
giao Việt Nam, đặc biệt là phần sử cổ trung đại, mình đã phát hiện ra 1 số điểm
mà Wikipedia đã sai khi đồng nhất 2 khái niệm "sắc phong" và
"sách phong". Sau đây là những điểm mình thấy cần điều chỉnh để
người đọc không hiểu nhầm 2 khái niệm trên là một.
- Thứ nhất, về mặt nghĩa:
+ Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ, Hoàng Phê chủ biên
- 2003):
* Sắc phong: (động từ) chỉ việc nhà vua ra sắc chỉ phong phẩm
tước.
* Sách phong: (không được định nghĩa trong Từ điển này)
+ Theo Từ điển nhà Nguyễn (Võ Hương An - 2012):
* Sắc phong: lệnh vua phong chức tước cho 1 người hay thần
linh.
* Sách phong: chỉ việc vua phong tước cho nội đình (cung phi)
và thành viên trong hoàng tộc. Từ này không dùng cho việc phong chức tước hàng
quan lại bá tánh, thần linh và hoàng tộc từ tước Hầu trở xuống. Ví dụ: sách
phong cung giai, sách phong hoàng tử, công chúa, hoàng thân,...Về hình thức,
văn bản phong tước này không viết trên 1 tờ giấy (như sắc phong thường thấy) mà
khắc trên sách vàng (kim sách) hoặc sách bạc (ngân sách) hoặc viết trên cuốn
sách bằng lụa.
+ Theo Hán Việt Tự điển (Thiều Chửu - 2014):
* Sắc (敕): sắc lệnh, tờ chiếu mệnh của vua ban cho quan
dân gọi là sắc.
* Sách (冊): bài văn sắc mệnh. Ví
dụ: vua phong tước cho ai gọi là sách phong (冊封).
Nhìn chung, khi xét về mặt nghĩa của 2 khái niệm trên thông
qua các từ điển/ tự điển liên quan, ta thấy có sự khác nhau về nghĩa chứ không
có chuyện đồng nhất như Wikipedia đã định nghĩa.
- Thứ hai, về cách dùng:
Tác giả Nguyễn Thị Kiều Trang trong cuốn Về quan hệ sách
phong, triều cống Minh - Đại Việt xuất bản năm 2016, đã đề cập cách dùng của 2
khái niệm như sau (dựa trên cuốn Từ điển Hán Việt từ nguyên của tác giả Bửu Kế,
xuất bản năm 1999):
* Sắc phong: là 1 từ ghép, trong đó "sắc" là
"văn bản của vua ban hành", còn "phong" là "ban cho
tước hiệu". Vậy "sắc phong" là văn bản ghi chỉ dụ, mệnh lệnh của
vua ban tước hiệu hay đất đai cho 1 người để xác định địa vị của người đó. Văn
bản này ghi họ, tên, tước hiệu được phong và lý do phong.
* Sách phong: cũng là 1 từ ghép, trong đó "sách" là
"mệnh lệnh của vua", còn phong là "ban cho tước hiệu". Vậy
"sách phong" là việc nhà vua ban tước hiệu, đất đai cho 1 người để
xác định địa vị của người đó.
Cần lưu ý rằng, quan hệ bang giao dưới thời phong kiến giữa
Việt Nam với Trung Hoa là quan hệ sách phong chứ không phải quan hệ sắc phong
như Wikipedia định nghĩa.
Như vậy, ta thấy rằng việc mập mờ nghĩa của 2 khái niệm
"sắc phong" và "sách phong" dẫn đến cách dùng sai trong
giao tiếp, cũng biên soạn giáo trình, tài liệu.
Hậu quả là trong bộ phim hoạt hình Khát vọng non sông tập 209: VUA LÊ HIẾN TÔNG
ĐÓN TIẾP SỨ THẦN NHÀ MINH có đoạn vua Lê Hiến Tông nói với quan đại thần như
sau: "Nhà Minh luôn coi Đại Việt ta là nước chư hầu, lần này họ tới Thăng
Long để sắc phong cho trẫm đây mà."
Nhận xét
Đăng nhận xét