Professor P. B. Lafont (trích từ sách Vương Quốc Champa: Địa Dư, Dân Cư, và Lịch Sử)
Ai cũng biết rằng, nhiều tư liệu bằng tiếng Hán thường hay nói về Champa, nhưng những biến cố này thường được ghi lại trong bao nhiêu năm về sau. Chính vì thế, những tin tức đó không đạt được độ chính xác cho lắm và nhiều khi mang nhiều yếu tố mâu thuẫn. Ngoài ra, những sử gia Trung Quốc hay Việt Nam chỉ nói đến Champa, một khi vương quốc này có sự liện hệ với quốc gia mình. Tình trạng này là nguyên nhân chính yếu giải thích tại sao tư liệu Trung Quốc và Việt Nam nói đến Champa quá ít và nội dung của nó thường mang nhiều tính chất lịch sử không trung thực. Riêng về văn bản bia đá Champa, một tư liệu quí giá nhưng không tránh khỏi nhiều trở ngại. Một phần vì số lượng của nó quá ít so với bia đá Kampuchea, một phần khác phát xuất từ sự thất lạc của bia đá này, chưa tính đến sự tàn phá văn bản lịch sử Champa do Ðại Việt chủ trương. Ðiều cần nên nhấn mạnh là nếu bia đá Champa đã cung cấp cho chúng ta nhiều tin tức về truyền thống tổ chức tôn giáo, tiếc rằng tư liệu đó chỉ nhắc sơ qua những gì liên quan đến biến cố lịch sử của vương quốc này. Cuối cùng, nhiều bia đá không mang ngày tháng đã trở thành chứng bệnh kinh niên trong cuộc bàn thảo để xác định thời gian của tư liệu. Hiện tượng này càng gây thêm nhiều sự nghi ngờ trong việc tham khảo văn bản bia đá Champa. Sau cùng, đó là biên niên sử Champa (sakaray dak rai patao) viết bằng tiếng Chăm. Ðây là tư liệu quá hiện đại và chỉ nói về lịch sử Champa sau thế kỷ thứ 15. Thêm vào đó, biên niên sử này chỉ là tư liệu lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga, không hề nhắc đến biến cố gì liên quan đến các tiểu vương quốc Champa ở miền bắc, như Vijaya, Amaravati. Không ai phủ nhận biên niên sử này là tư liệu quan trọng, nhưng nội dung của nó rất là giới hạn trong không gian và thời gian.
***
Vấn đề xác định niên đại quan trọng trong lịch sử của một vương quốc Champa đã suy tàn đã trở thành công việc vô cùng khó khăn. Bởi vì việv làm này còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi sử gia và nó còn mang bao nhiêu tính chất không trung thực. Nhất là đối với Champa, một vương quốc mà sử gia chỉ đang ở tình trạng thái nghiên cứu về lịch sử của quốc gia này, chúng ta nên tự đặt lại vấn đề có nên nói về biến cố quan trọng của vương quốc này hơn là nói về niên đại quan trọng của hay không ?. Bài này viết về biến cố là đúng hơn.
1. Sự hình thành vương quốc Champa
Danh từ Champa xuất hiện lần đầu tiên vào năm 658 sau công nguyên trên một bia đá tìm thấy ở miền trung Việt Nam. Kể từ năm đó, danh từ này thường được dùng trong nhiều tư liệu lịch sử như ở Kampuchea vào năm 668 trong văn bia bằng tiếng Phạn. Ðối với vương quốc ở miền bắc, danh từ Champa chỉ xuất hiện vào năm 809 trong tư liệu bằng tiếng Hán dưới hình thức phiên âm: Tchan-tch’eng (Chiêm Thành-Campapura).
Phải chăng niên đại liên quan đến danh xưng Champa vừa nêu trên đã chứng minh cho sự thành hình vương quốc Champa vào thế kỷ thứ 7? Thật ra, vào thế kỷ thứ 7 này, chúng ta không tìm thấy một dấu tích nào nói về sự hình thành vương quốc Champa ở miền trung Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa bao giờ có tư liệu lịch sử nói về sự thành hình chính xác của vương quốc Champa cũng như những tin tức khác liên quan đến sự tiến trình của sự thành hình vương quốc Champa thời đó. Ðể trả lời cho câu hỏi này, chúng ta bắt đầu đi vào chủ đề dựa trên tư liệu hiện có hôm nay.
Trước tiên, chúng ta phải nói đến bia đá Champa. Hai bia đá đầu tiên tìm thấy ở Ðồng Dương viết vào năm 875 (L. Finot, BEFEO, IV: 48) và ở Nha Trang viết vào năm 1173 (A. Bergaigne, 1889: 244-245) có đề cập đến gia phả hoàng gia Champa trong thời quá khứ rất lâu dài. Sau khi khảo sát hai bia đá này, chúng ta tạm kết luận rằng sự hình thành gia phả này có thể là một sự kiến tạo dựa theo truyền thuyết của Ấn Ðộ Giáo. Nhưng đó cũng có thể là phương cách lý luận của một số vua chúa Champa đã chiếm đoạt ngôi báu để rồi tự nâng cao gia phả của mình là một trong những nhóm gia phả hoàng gia Champa đã có từ ngàn xưa. Chính vì thế, người ta không đặt niềm tin tuyệt đối vào truyền thuyết này. Ngược lại, cũng nhờ bia đá tìm thấy ở Trà Kiệu (Coedès, 1939: 46-49), người ta biết một cách chắc chắn rằng vào thế kỷ thứ 4, dân tộc sống trong vùng Champa đã nói một thứ tiếng, đó là tiếng Chăm.
Nếu chúng ta đi tìm dấu tích trong tư liệu Trung Quốc, người ta cũng được biết rằng trước thế kỷ thứ 7, tư liệu này đã đặt danh xưng cho một vương quốc nằm ở miền trung Việt Nam là Lin-yi. Bài nghiên cứu của ông R. Stein đã cho thấy rằng vương quốc mà Trung Quốc gọi là Tchan-Tch’en (Chiêm Thành – Campa) chỉ là một danh xưng khác của vương quốc Lin-yi. Và ông ta nêu nhiều dữ kiện liên quan đến tiến trình của lịch sử, ngôn ngữ và nhân chủng nhằm chứng minh sự liên hệ giữa Lin-yi và Champa, tuy rằng biên giới chính trị giữa Lin-yi và Champa vẫn còn là một giả thuyết tạm thời.
Sự xuất hiện danh từ Champa hay Lin-yi trong lịch sử là một vấn đề rất quan trọng, nhưng xác định thời gian và không gian liên quan đến sự thành của vương quốc này cũng là điều đáng chú tâm hơn. Ai cũng biết, yếu tố liên quan đến sự thành lập vương quốc Lin-yi vẫn còn lu mờ, vì người ta chỉ biết dựa vào tư liệu Trung Quốc. Tiếc rằng, tư liệu gốc viết về Lin-yi này không còn nữa. Hôm nay, người ta chỉ dùng những văn bản chép tay sau này mà ngày tháng không có gì là chính xác. Dù sao đi nữa, sử gia R. Stein cho biết rằng vương quốc Lin-yi hình thành vào khoảng năm 192 trước công nguyên trong một khu vực ở miền trung Việt Nam gọi là Je-nan, tức là khu vực nằm từ cửa Hoành Sơn (sông Gianh) đến đèo Hải Vân (phía nam Huế). Vương quốc Lin-yi này được thành lập trong nội địa của một phủ của Trung Quốc gọi là Siang-lin, sau cuộc ám sát nhà lãnh đạo gốc người Hoa của phủ này do sự tổ chức của một nhóm người địa phương của Lin-yi. Nếu sự hình thành vương quốc Lin-yi đã thành công vào cuối thế kỷ thứ hai, đó cũng là nhờ cơ hội suy sụp chính trị của triều đình trung ương Trung Quốc thời đó và nhất là sự hình thành này nằm trong khu vực đa số là thổ dân, trong đó dân gốc Trung Quốc không giữ vai trò gì quan trọng. Theo tư liệu Trung Quốc, thổ dân của khu vực này là những người “man sống ngoài lề biên giới” hay là người “man Je-nan”. Chính họ là sáng lập viên của vương quốc Lin-yi này. Ðã từ nhiều năm qua, người ta cứ tin rằng “người man” này từ vùng miền nam (tức là Quảng-nam) tràn sang. Nhưng trên thực tế, R. Stein đã chứng minh rằng thổ dân này cũng có thể từ miền tây tràn sang hay từ phủ Siang-lin di cư đến, vì chính quyền Trung Quốc không đủ điều kiện để kiểm soát biên giới phủ này. Theo R. Stein, trung tâm chính trị của Lin-yi thời đó đặt ở Huế và sau đó mới bành trướng trên toàn diện lãnh thổ của phủ Siang-lin mà biên giới phía nam là đèo Hải Vân. Cũng theo tư liệu Trung Hoa, Lin-yi cũng có thể là danh từ phiên âm từ Siang-lin mà ra. Xuất hiện lần đầu tiên trong tư liệu Trung Hoa vào năm 220 và 230, vương quốc Lin-yi từ từ bành trướng lãnh thổ của mình trên khu vực Je-nan ở miền bắc để rồi mở rộng biên giới cho đến cửa Hoành Sơn vào giữa thế kỷ thứ 4. Phía nam đèo Hải Vân, đó là khu vực của một số bộ lạc hay tiểu vương quốc của thổ dân khác (triều cống xứ Fou-nan, Kampuchea) không có sự liên hệ với Lin-yi.
Nhiều tư liệu cũng đã chứng minh rằng, những người “man” sáng lập vương quốc Lin-yi là dân tộc gốc người Ða Ðảo nói tiếng Mã Lai Á, nhưng tiếc rằng không ai có thể khẳng định được, vì thiếu tư liệu, những người nói tiếng Mã Lai Á đó đã bị Ấn Ðộ hóa chưa. Một số nhà nghiên cứu như L. Finot chẳng hạn cho rằng họ đã bị ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Ðộ Giáo. Ngược lại, G. Coedès không cùng quan điểm này và cho rằng, nếu có ảnh hưởng Ấn Ðộ Giáo đi nữa, nhưng ảnh hưởng này chỉ xuất hiện trong những niên đại về sau. Ðó là hai giả thuyết đưa ra, nhưng hai giả thuyết này không cho chúng ta bằng chứng cụ thể để chứng minh sự hiện hữu Ấn Ðộ Giáo trong khu vực này. Chính vì thế, không ai biết được, từ niên đại nào vương quốc Lin-yi bị sát nhập vào Champa và từ khi nào có sự xuất hiện một vương quốc Ấn Ðộ Giáo ở miền trung Viêt Nam dùng tiếng Mã Lai trong hệ thống hành chánh của mình.
Ngoài những giả thiết mù mờ đó, chúng ta lại gặp những khó khăn khác đó là không ai biết được một cách rõ rệt biên giới chính trị và vị trí chính xác của thủ đô Lin-yi thời đó. Chỉ tư liệu viết trên bia đá mới có thể trả lời những câu hỏi này. Tiếc rằng, trên 206 bia đá Champa hiện lưu trữ bên Pháp, 87 bia đá viết bằng tiếng Chăm và 15 bằng Phạn ngữ chưa được nghiên cứu và dịch thuật.
Ðiều mà người ta có thể khẳng định rằng, đó là Lin-yi, sau khi hình thành vương quốc, bắt đầu mở rộng biên cương về phía nam của đèo Hải Vân (miền nam Huế), nơi sinh sống của một cộng đồng dân tộc đã bị Ấn Ðộ hóa và nói tiếng Mã Lai. Biến cố này cho phép chúng ta nghĩ rằng, dường như Lin-yi thay đổi danh xưng của mình để trở thành danh xưng Champa, khi đã thành công chinh phục một số tiểu vương quốc ở miền nam để làm thuộc địa của mình. Tiếc rằng, người ta cũng không có tư liệu chắc chắn nói về biên giới của các vương quốc miền nam này, cũng như người ta cũng không biết từ năm nào và qua phương thức nào những vương quốc miền nam bị Lin-yi đô hộ.
Qua sử liệu nói về Lin-yi, người ta được biết là vương quốc này đã dời thủ đô của mình một lần từ miền bắc sang miền nam trong khu vực Trà Kiệu (Quãng Nam), khu vực mà nhà khảo cổ J. Y. Cleays đã khai quật và khảo sát. Sự di chuyển thủ đô này có chăng là niên đại xác định sự biến hóa Lin-yi thành Champa? Thật ra, nhiều tư liệu khảo cổ học cho biết là có một thủ đô cũ ở Trà Kiệu, nhưng không ai biết được thủ đô này mang danh xưng gì? Ngoài ra, người ta được biết là có một bia đá bằng mẫu tự tiếng Phạn được tìm thấy ở Mỹ Sơn (cách Trà Kiệu vài chục cây số) viết vào năm 400, nhưng niên đại này không phải là năm chứng minh sự hình thành trung tâm Ấn Ðộ Giáo ở Trà Kiệu, nơi mà người ta cho đó là thủ đô của Lin-yi.
G. Coedès (1964: 95) còn đặt nghi vấn về sự di chuyển thủ đô Lin-yi sang miền nam vào thế kỷ thứ 4. Ngược lại, R. Stein không đặt nghi vấn gì về giả thuyết này. Vì rằng, người ta đã tìm thấy một bia đá bằng tiếng Phạn ở Quảng Nam và Phú Khánh viết vào cuối thế kỷ thứ 4 do ông vua Bhadravarman để lại, vua mà nhiều nhà nghiên cứu thường cho đó là vua của Lin-yi thời đó. Tuy nhiên R. Stein vẫn có nghi vấn một vấn đề đó là danh xưng Bhadravarman ở trong bia đá và vua Lin-yi trong văn kiện Trung Quốc có nhiều sự dị biệt. Theo ông ta, sự khác biệt danh xưng này có nguyên nhân chính đó là vua Lin-yi trong bản văn Trung Quốc đóng đô ở Huế, còn vua Bhadravarman của Lin-yi do bia đá để lại, đóng đô ở Quãng Nam.
Nhìn qua các tư liệu lịch sử, ngôn ngữ hay nhân chủng, không ai còn nghi ngờ nữa là vương quốc Lin-yi tự biến hóa để trở thành Champa trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ thứ 2 đến cuối thế kỷ thứ 4. Nhưng vào năm nào, đó là vấn đề chưa ai tìm ra câu trả lời.
Ngoài vấn đề khúc mắc về niên đại này, tư liệu Trung Quốc còn cho biết một dữ kiện khác mà không ai biết được nguyên nhân tại sao, đó là kể từ năm 756/757 (Pelliot, BEFEO, IV: 196), tư liệu này lại thay đổi danh xưng Lin-yi thành vương quốc Houan-wang (hay Hoàng Vương). Trong khi chờ đợi sự trả lời của các nhà chuyên môn về bia đá hay tư liệu Trung Quốc về những khúc mắc này, nhiều nhà sử học đã chấp nhận tạm thời là vương quốc Lin-yi hay Champa đã thành hình vào năm 192 sau công nguyên.
2. Sự suy tàn của Champa Ấn Ðộ Giáo
Tất cả sử gia đều nghĩ rằng, vương quốc Champa Ấn Ðộ Giáo (tức là mọi cơ cấu tổ chức chính trị, hành chánh hay tôn giáo đều dựa trên thể chế của nền văn minh Ấn Ðộ) bị diệt vong vào năm 1471, năm đánh dấu sự sụp đổ của thủ đô Vijaya (thủ đô này dời từ khu vực Amaravati sang Bình Ðịnh vào năm 1000). Cũng nên nhắc lại rằng, vào năm 1471, vua Ðại Việt là Lê Thánh Tông đem quân xâm chiếm Vijaya (Ðồ Bàn). Khi đã thành công, ông ta ra lệnh tiêu diệt tối đa tàn binh Champa và chuyển những tù binh của quốc gia này sang Thăng Long và sau cùng là san bằng thủ đô Vijaya để xóa sạch hoàn toàn dấu tích văn hóa Champa trong khu vực này. Sự sụp đổ Vijaya vào năm 1471 chỉ là kết quả của 11 thế kỷ chiến tranh giữa Champa theo nền văn minh Ấn Ðộ Giáo chống lại Ðại Việt ở phía bắc chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc, một vương quốc đã từng mang bao hoài bảo nhằm thực thi chính sách “Nam Tiến” của mình. Ðây cũng là chiến tranh nhằm giải quyết sự sống còn của hai quốc gia thù nghịch này. Nhưng kể từ thế kỷ thứ 10, trước sự bành trướng mạnh mẽ dân số của Ðại Việt, Champa phải từ bỏ dần dần đất đai miền bắc của mình. Năm 1471 cũng là năm đánh dấu sự chiến thắng của nền văn minh Trung Quốc chống lại văn hoá Ấn Ðộ Giáo đã từng thống trị khu vực miền đông Ðông Dương kể từ thế kỷ thứ 4. Ðể xác định sự chiến thắng vĩnh cữu của mình, Ðại Việt đã san bằng thủ đô Vijaya (Ðồ Bàn), sau đó lại áp dụng chính sách Việt hóa trong khu vực này. Cũng nhờ chính sách này, Ðại Việt đã thành công trong việc xâm chiếm miền bắc Champa, một khu vực mà người ta thường gọi là mạch máu của nền văn minh Ấn Ðộ Giáo và cũng là trung tâm truyền bá nền văn minh Phạn ngữ này. Cũng ở trong khu vực miền bắc Champa này, người ta đã tìm thấy nhiều di tích đền đài đồ sộ của Ấn Ðộ Giáo và Phật Giáo Ðại Thừa của Champa.
Sự suy tàn thủ đô Vijaya đã đánh dấu một biến cố chính trị vô cùng quan trọng, nhưng đó không phải là yếu tố đơn thuần giải thích cho sư suy vong nền văn minh Ấn Ðộ ở Champa nói riêng và ở Ðông Dương nói chung. Trên thực tế, nền văn minh Ấn Ðộ đã bị suy thóai từ lâu, phát xuất từ sự lùi bước của văn hóa Phạn ngữ mà Champa thường coi đó là yếu tố cơ bản của nền văn minh của mình. Bia đá bằng Phạn ngữ cuối cùng xuất hiện ở Champa vào năm 1253 đã chứng minh rõ rệt giả thuyết liên quan đến sự suy tàn của Phạn ngữ ở trên vương quốc này. Ngoài ra, sự suy tàn của nền văn minh Ấn Ðộ Giáo ở Champa cũng phát xuất từ một nguyên nhân khác nữa, đó là sự vùng dậy của nền văn minh Hồi Giáo ở Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ 12. Trong khoảng thời gian đương đầu với sự lan tràn mạnh mẽ của Hồi Giáo, vương quốc Ấn Ðộ tự cắt đứt sự liên hệ của mình với Ðông Dương để rồi tự bỏ quên dần dần vai trò của mình trong khu vực này.
Ngoài yếu tố Hồi Giáo, người ta còn thấy xuất hiện những yếu tố khác nữa để giải thích cho sự suy tàn của văn minh Ấn Ðộ Giáo ở Champa. Ðó là cũng vào thế kỷ thứ 12 này, vương quốc Champa bắt đầu nghi ngờ uy quyền của thần thánh Ấn Ðộ không còn đủ mảnh lực để bảo vệ Champa chống lại sự xâm lăng của Kampuchea, Ðại Việt hay Trung Quốc. Chính vì thế, nhân dân Champa ngày càng không còn tin vào thần quyền Ấn Ðộ để giúp mình. Và các vua chúa Champa không muốn nhận diện mình là đứa con của thựơng đế gốc Ấn Ðộ nữa để rồi từ đó xoá bỏ dần dần một số nghi lễ theo truyền thống Ấn Ðộ Giáo trong triều đình của mình. Những dữ kiện đó đã chứng minh rằng vương quốc Champa đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng triết lý tôn giáo. Và sự khủng hoảng tinh thần này đã góp phần quan trọng trong những yếu tố nhằm giải thích sự suy tàn của văn hóa Ấn Ðộ ở Champa vào thế kỷ thứ 13. Thêm vào đó, những biến cố chính trị khác vào thế kỷ thứ 14 càng đưa truyền thống Ấn Ðộ Giáo đi vào con đường suy thoái hoàn toàn.
Sự suy vong này buộc Champa phải bỏ đi dần dần những gì mà vương quốc Champa vây mượn từ Ấn Ðộ Giáo để làm nền tảng của tổ chức xã hội và tôn giáo của mình: từ hệ thống Phạn ngữ, nghi lễ, triết lý tổ chức thế giới vô hình đến quan niệm tổ chức quốc gia và xã hội. Sự suy tàn của văn hoá Ấn Ðộ đã làm sụp đổ hoàn toàn một nền tảng tinh thần mà Champa đã từng coi đó là yếu tố cần thiết trong sự hình thành của tổ chức chính trị trong vương quốc này. Bước sang thế kỷ thứ 14, mặc dù một danh nhân như Chế Bồng Nga (1360-1390) đã đem lại một ánh sáng mới cho sự sống dậy của vương quốc Champa, nhưng cũng không cứu vãn nổi sự suy tàn của nền văn minh Ấn Ðộ ở Champa. Năm 1466, thủ đô Vijaya bị Ðại Việt chiếm cứ; một lần nữa vào năm 1471, thủ đô này rơi hẳn vào tay Ðại Việt. Ðó cũng là năm đánh dấu một sự bại vong bất ngờ mà các nhà cầm quyền Champa không tìm ra nguyên nhân để giải thích.
Ai cũng công nhận rằng, năm 1471 là năm đánh dấu sự sụp đổ của văn minh và văn hoá Ấn Ðộ giáo ở Champa, nhưng nó không phải là năm đánh dấu sự suy vong của Champa như nhiều người thường hiểu lầm. Cũng đừng quên rằng, một khi đã chiếm cứ Vijaya vào năm 1471, Ðại Việt không đủ sức lực để chinh phục miền nam Champa, nhất là vương quốc Panduranga, nơi mà nhân dân miền nam này thường nổi dậy để đấu tranh nhằm đòi quyền độc lập. Cũng trong khu vực miền nam này mà Champa đã dùng làm cơ sở sau năm 1471 nhằm bảo vệ cho sự sống còn của mình. Nhiều tư liệu Ðại Việt và Trung Quốc cho biết rằng sau năm 1471, một vị tướng của Vijaya là Bố Trì Trì chạy sang ẩn náu ở miền nam và tự tôn mình là vua của Champa. Ðối với nhà sử học G. Maspéro, vương quốc miền nam này chỉ có tên nhưng không có quân đội. Ðây là một giả thuyết sai lầm. Mặc dù đất đai chỉ được thu gọn trong hai khu vực Panduranga và Kauthara (Khánh Hòa), vương quốc “Champa mới” này đã bày tỏ ý chí kiên trì nhằm đảm bảoquyền độc lập của mình qua mấy thế kỷ về sau.
Ðiều mà chúng ta cần nhắc đến đó là “Champa mới” này có một sắc thái khác hẳn với Champa ở miền bắc. Sắc thái quan trọng đầu tiên đó là Champa ở miền nam hình thành trên những yếu tố tôn giáo và phương cách tổ chức chính trị, xã hội hoàn toàn khác biệt với Champa Ấn Ðộ Giáo của miền bắc. Chính vì thế, người ta không tìm thấy dấu vết thật sự của Ấn Ðộ Giáo trong khu vực miền nam (Panduranga). Những tầng lớp cai trị ở “Champa mới” này tự khai trừ những nghi lễ Ấn Ðộ Giáo nhằm tôn thờ gia đình hoàng gia hay thần tượng hóa vua chúa. Nếu sự việc này đã xảy ra, là vì tầng lớp cai trị ở miền nam đã đón nhận một triết lý tôn giáo mới trong vương quốc của mình, triết lý dựa trên yếu tố tín ngưỡng dân gian địa phương và dung hòa với văn hóa Hồi Giáo đã xâm nhập vào Champa vào thế kỷ 16. So với hệ thống tổ chức quốc gia ở miền bắc, vua Champa ở Panduranga không tự xưng mình là đứa con của thượng đế Ấn Ðộ Giáo, nhưng là một nhà lãnh đạo chính trị của một quốc gia mà thôi. Chính vì thế, các vua chúa Panduranga không dùng danh xưng Phạn ngữ để đặt tên cho mình, không tạc tượng qua hình ảnh thần thánh để đại diện cho chính bản thân mình. Những nhà lãnh đạo chính trị ở miền nam chỉ tự cho mình là người lãnh tụ phát xuất từ quần chúng Champa không hơn không kém, một lãnh tụ chỉ dựa vào sự yểm trợ của nhân dân hơn là đòi hỏi được sự thờ phượng của nhân dân. Sau cùng, vương quốc Panduranga miền nam tự ly khai dần dần với những gì có tính chất Ấn Ðộ Giáo để đi tìm một triết lý mới cho hệ thống tổ chức vũ trụ riêng tư của mình, trong đó triết lý Hồi Giáo vẫn là một trong những yếu tố quan trọng kể từ thế kỷ thứ 17.
Cũng nên nhắc lại rằng, sự sụp đổ của vương quốc Vijaya vào năm 1471 chỉ chứng minh những yếu tố tích cực của dân Việt trong cuộc Nam Tiến, chứ không phải là một cơ sở lịch sử chứng minh sự suy tàn của vương quốc Champa như người ta thường hiểu lầm. Ðứng trên phương diện lịch sử mà nói, sự thất bại của Vijaya vào năm 1471 đã đánh dấu một biến cố chính trị vô cùng quan trọng, đó là Champa đang chuyển hoá vào một nền văn minh mới. Trước năm 1471, Champa rất tự hào cho mình là một vương quốc Ấn Ðộ Giáo. Từ năm 1471, vương quốc Champa đã tự ly khai với Ấn Ðộ Giáo để xây dựng hệ thống tổ chức quốc gia của mình hoàn toàn dựa trên truyền thông địa phương và dung hòa với văn hóa Hồi Giáo.
Tóm lại, những dữ kiện vừa trình bày ở phần trên cho chúng ta thấy rõ rệt là 1471 không phải là năm đánh dấu sự suy vong của Champa, nhưng là sự suy vong của nền văn minh Ấn Ðộ ở vương quốc này.
3. Ngày cuối cùng của Champa
Cho đến hôm nay, các nhà sử học chuyên về Ðông Nam Á không cùng quan điểm về thời điểm suy vong Champa. Một số quan điểm, nhất là quan điểm của sử gia chuyên về Ấn Ðộ Giáo, cho rằng vương quốc Champa đã suy tàn vào năm 1471 (G. Coedès, 1964: 430). Ngược lại, những sử gia chuyên về Việt Nam cho rằng năm 1692/1693 mới là ngày suy tàn cuối cùng của vương quốc này. Qua hai giả thuyềt đó, chúng ta nhận thấy rằng dường như những sử gia này, dù là gốc Việt hay Âu Châu, đã không đi sâu vào sự nghiên cứ lịch sử Champa. Họ chỉ nói đến Champa khi nào vương quốc này có biến cố chính trị gì liên hệ với Ðại Việt mà thôi. Nhân đọc qua một chương mục trong sử liệu Việt Nam nói đến ngày sụp đổ của vương quốc Champa vào năm 1692, những sử gia này tự cho đó là năm chính thức của ngày suy vong Champa, nhưng họ không cần chỉ trích hay phê bình tư liệu lịch sử này (Lê Thanh Khôi, 1955: 265) và họ cũng không cần đọc những chương mục khác vẫn còn nhắc đến sự hiện hữu của Champa.
Ngoài sử gia Việt Nam, các chuyên gia về Champa học cũng không đồng ý với nhau về ngày suy vong này, mặc dầu những chi tiết đó đã được trình bày rõ rệt trong biên niên sử Champa (Sakaray dak rai patao), chi tiết hoàn toàn khác biệt với tư liệu lịch sử Việt Nam. Sự bất đồng ý kiến này xuất phát từ một dữ kiện chính yếu đó là đa số chuyên gia này tin vào E. Aymonier, một nhà nghiên cứu đã tuyên bố vào năm 1890 rằng bộ biên niên sử Champa viết bằng tiếng Chăm hiện đại chỉ là cốt chuyện hoang đường, không có giá trị lịch sử thật sự. Chính vì thế, đa số chuyên gia về Champa chỉ biết dựa vào năm 1692 do tư liệu Việt Nam cung cấp để kết luận rằng1692 chính là năm đánh dấu sự suy vong của Champa.
Nên chăng đống ý với sử gia chuyên về Ấn Ðộ Giáo hay chuyên về Việt Nam Học để lấy 1471 hay là 1692 làm chuẩn của sự vong quốc Champa? Ðây là một giả thuyết phi khoa học. Bởi vì, biên niên sử Champa, tư liệu lịch sử Việt Nam hay những văn kiện Tây Phương đã chứng minh rõ rệt là sau thế kỷ thứ 17, vương quốc Champa vẫn còn tồn tại. Ai cũng biết rằng, tư liệu Việt Nam chỉ nói rằng vào năm 1692, nhà Nguyễn chiếm đóng Champa, thay tên vương quốc này thành Trấn Thuận Thành và thành lập thêm một phủ Bình Thuận nhằm quản lý dân gốc Việt sống trong lãnh thổ vương quốc Champa này. Sau cuộc nổi loạn vào năm 1694 của nhân dân Champa chống lại chính sách xâm lược của nhà Nguyễn, triều đình Huế quyết định trả lại độc lập cho Champa, nhưng vẩn tiếp tục gọi Champa bằng danh xưng: Trấn Thuận Thành. Dựa trên sự thay đổi danh xưng này vào năm 1692, nhiều nhà sử học đã dùng niên đại 1692 để ám chỉ cho ngày suy tàn Champa. Ðúng ra, năm 1692-1694 là năm đánh dấu quyền thống trị của nhà Nguyễn trong nội bộ tổ chức của Champa thì đúng hơn, nhưng Champa vẫn là một quốc gia độc lập riêng biệt, có một hệ thống hành chánh riêng, quân đội riêng.
Nếu nói rằng sau năm 1692, vương quốc Champa vẫn còn tồn tại, thì năm nào Champa bị xóa bỏ trên bản đồ ?
Cũng cần nhắc lại rằng vào năm 1694, nhà Nguyễn trao quyền độc lập cho Champa nhưng buộc vương quốc này phải từ bỏ chủ quyền pháp lý trên cộng đồng người Việt sống trong khu vực này. Vì năm 1697, nhà Nguyễn thành lập một phủ Bình Thuận trong lãnh thổ Champa. Sự hình thành phủ Bình Thuận này không có nghĩa là nhà Nguyễn xâm chiếm hoàn toàn Champa thời đó. Bởi rằng, phủ Bình Thuận này chỉ là một cơ quan hành chánh của nhà Nguyễn trong lảnh thổ Champa nhằm cai quản dân Việt sống trong vương quốc này. Ðây là một hệ thống chính trị rất gần gủi với thể chế ở Tây Phương mà người ta từng gọi là “Capitulation” (Hệ thống hành chánh nhằm giải quyết những vấn đề pháp lý giữa người Thiên Chúa Giáo sống trong khu vực Hồi Giáo. Sau đó, hệ thống được lan tràn trong thế giới, chẳng hạn Xiêm La, một vương quốc độc lập trong lảnh thổ của Thái Lan. Hệ thống này cũng thường áp dụng nhằm giải quyết vấn đề pháp lý của dân nước ngoài dưới quyền cai trị của tòa Lãnh Sự nước đó hay cho phép nước ngoài có chủ quyền trên sở hữu đất đai của dân mình ở nước ngoài).
Bằng chứng cụ thể là biên giới phủ Bình Thuận chỉ tập trung những thôn xóm người Việt hay đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà Nguyễn tọa lạc trên lãnh thổ Champa này. Thêm vào đó, những quan lại trong phủ Bình Thuận chỉ có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi dân Việt, một khi có vấn đề pháp lý với nhân dân Champa hay với hành chánh của vương quốc này. Do đó, người ta không thể coi đó là quyền đô hộ của nhà Nguyễn kể từ năm 1692.
Lợi dụng sự hiện diện của chính quyền phủ Bình Thuận và nhất là quyền mua bán đất đai ở Champa, dân Việt ngày càng tăng thêm đông đảo trên lãnh thổ này. Cho đến nữa thế kỷ thứ 18, Champa vẫn còn chủ quyền trên vương quốc mình, nhưng lãnh thổ của Champa đã trở thành vết dầu loan xen kẻ trong biên giới phủ Bình Thuận.
Năm 1771, chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh bùng nổ. Kể từ đó, Champa trở thành khu vực nằm giữa hai địa đầu kiểm soát bởi Tây Sơn ở phía bắc và Nguyễn Ánh ở phía nam. Ðã bao lần, hai phe đối nghịch Việt Nam này đã xâm chiếm Champa. Và trải bao năm chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, Champa đã bị xóa bỏ trên bản đồ. May thay là vào năm 1802, Nguyễn Ánh, đã đánh bại Tây Sơn, sau đó lên làm vua lấy niên hiệu là Gia Long. Khi đã thành công, Gia Long cho tái lập vương quốc Champa và cho một vị tướng gốc dân tộc Chăm, người kế cận của mình lên làm vua vương quốc này. Dù sao đi nữa, sự ưu đãi của Gia Long vẫn còn mang bao nhiêu sự nghi vấn đó là Champa đã trở thành một quốc gia độc lập nhưng liệu vương quốc này có đủ quyền lực và chủ quyền để kiểm soát đất đai của mình bị nằm xen kẻ trong các làng xã người Việt? Làm sao định nghĩa được vai trò chính trị của vua chúa Champa thời đó một một khi họ chỉ là người do Gia Long dựng lên để nắm quyền trong vương quốc chỉ được xem như là một quốc gia độc lập dưới sự bảo trợ của triều đình Huế mà cho đến hôm nay không ai tìm thấy vết tích hiệp ước chính thức của chế độ chính trị này. Thêm vào đó, người ta càng có thêm nghi vấn đó là vua Champa thời đó chỉ được mang chức Chưởng Cơ do Gia Long ban cho mà thôi.
Trong cuốn sách của Po Dharma “Panduranga-Champa: 1802-1835, tập 1”, tác giả cho biết rằng kể từ năm 1802, Champa chỉ là một vương quốc chư hầu của Gia Long và sự sống còn của vương quốc mang danh là độc lập chỉ tùy thuộc vào ân huệ của triều đình Huế. Thật ra, Champa độc lập thời đó chỉ thể hiện qua một mô hình chính trị rất là đặc biệt đó là vương quốc này có quyền đặt ra thể chế thu thuế trong lãnh thổ của mình, nhưng một phần thuế này phải nộp cho nhà Nguyễn. Ngoài ra, Champa thời đó cũng có quyền thành lập quân đội, mặc dù không đông đảo như quân nhà Nguyễn. Sau cùng, trong nghi lễ chính thức ở Huế, hoàng gia Champa không ngồi chung với quan lại nhà Nguyễn nhưng với các phái đoàn của vương quốc Kampuchea hay Laos. Qua các dẫn chứng này, không ai có quyền phủ nhận là không có sự hiện hữu của vương quốc Champa dưới thời Gia Long. Thêm vào đó, các sử liệu Việt Nam thường phân biệt một cách rõ rệt giữa vương quốc Champa và phủ Bình Thuận.
Sau ngày từ trần của Gia Long vào năm 1820, Minh Mệnh lên nối ngôi. Mặc dù là một ông vua chuyên chế chỉ muốn tập trung toàn diện quyền hành trong tay mình, Minh Mệnh vẫn còn ban ân huệ để Champa được tiếp tục hiện hữu. Sau năm 1828, vì hoàn cảnh địa dư và chính trị, Champa tự xa lánh triều đình Huế để phục tùng Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành, một vị tướng đối nghịch chống lại hoàng đế Minh Mệnh. Ðối với triều đình Huế, thái độ phục tùng Lê Văn Duyệt của Champa phải chăng cũng là thái độ chống lại hoàng đế Minh Mệnh.
Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần. Minh Mệnh ra lệnh tức thời đem quân chiếm đóng Champa tức thời và trừng trị thẳng tay những người Chăm thân cận với Lê Văn Duyệt. Biên niên sử Champa và tư liệu Việt Nam đã xác định rằng, vào năm 1832, Minh Mệnh quyết định bãi bỏ danh hiệu Champa; áp dụng chính sách Việt hóa toàn diện dân tộc Champa và sát nhập lãnh thổ của vương quốc này vào hai phủ Bình Thuận và Ninh Thuận. Vào năm 1832, Champa hoàn toàn bị xóa tên trên bản đồ Ðông Dương và kể từ đó chấm dứt vĩnh viễn sư hiện hữu với tư cách là một quốc gia có chủ quyền.
***
Ngoài nội dung bài này, người ta cũng có thể thêm ba biến cố khác liên quan đến sự bại vong của vương quốc Champa ở miền nam trước đà tiến của chính sách Nam Tiến Việt Nam. Nhưng đó chỉ là những yếu tố lịch sử hình thành trong bối cảnh bang giao giữa Champa và Ðại Việt.
———————————–
Tài liệu tham khảo
Aymonier, E.
– Légendes historiques des Chames, dans Excursions et Reconnaissances XIV-32, pp. 145-206.
Bergaigne, A.
– Inscriptions sanskrites du Champa, dans Notices et Extraits des Manuscrits de la Bibliothưque Nationale, XXVII, lère partie, 2e fascicule, Paris 1889.
Boisselier, J.
– La statuaire du Champa. Recherche sur les cultes et l’iconographie, Paris (Public. EFEO) 1963.
Claeys, J-Y.
– Fouilles de Trà-kiệu. Rapport de mission de la campagne1927-1928, dans BEFEO XXVII, pp. 468-482; XXVIII, pp. 578-593.
– Simhapura, la grande capitale chame (VI-VIII S. AD), dans Revue des Arts Asiatiques VII, pp. 93-104.
Coedes, G.
– La plus ancienne inscription en langue chame, dans Eastern and Indian Studies in Honour of F.W. Thomas. New Indian Antiquary. Extra Series I, pp. 46-49.- Les Etats Hindouisés d’Indochine et d’Indonésie, Paris (de Boccard) 1964.
Finot, L.
– Notes d’épigraphie. I, III, V, VI, XI, XII, XIV, XV, XX, dans Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrème-Orient I, pp. 185-191; III, pp. 206-211 et 630-654 ; IV, pp. 83-115 et 897-977 ; IX-2, pp. 205-209 ; XV-2, pp. 1-38 et 39-52 et 113-135.
– Pangduranga, dans Mélanges Kern, Leide (Brill) 1903, pp. 381-389.
Huber, E.
– Etudes indochinoises III. Le clan de l’aréquier, dans BEFEO V, pp. 170-175.
– Etudes indochinoises VIII. La stèle de Huế, dans BEFEO XI-3, pp. 259-260.
Lafont, P.- B.
– Pour une réhabilitation des chroniques en cam moderne, dans BEFEO LXVIII, pp. 105-111.
Lê Thành Khôi
– Le Việt-Nam. Histoire et Civilisation, Paris (Edit. de Minuit) 1955.
Manguin, P-Y.
– L’introduction de l’islam au Champa, dans BEFEO LXVI, pp. 255-287.
Maspéro, G.
– Le royaume de Champa, Leide (Brill) 1914.
Pelliot, P.
– Textes chinois sur le Panduranga, dans BEFEO III, pp. 649-654.
– Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle, dans BEFEO IV, pp. 131-413.
Po Dharma
– Le Panduranga (Champa) 1802 – 1835. Ses rapports avec le Vietnam, Paris (Publ. EFEO) 1987.
– Les frontières du Champa (Dernier état des recherches), dans Histoire des Frontières de la Péninsule Indochinoise.I. Les Frontières du Vietnam, Paris (L’Harmattan) 1989, pp. 128-135.
Quach-Langlet, T.
– Cadre géographique de l’ancien Champa, dans Actes du Séminaire sur le Champa organisé à l’Université de Copenhague, Paris (CHCPI) 1988, pp. 27-48.
Stein, R.
– Le Lin-yi. Sa localisation, sa contribution à la formation du Champa et ses liens avec la Chine, dans Han Hiue, Volume II, Fascicule 1-3, Pékin 1947, 325 pp. F cartes.
Stern, Ph.
– L’art du Champa (ancien Annam) et son évolution, Toulouse (Douladoure) 1942.
– Légendes historiques des Chames, dans Excursions et Reconnaissances XIV-32, pp. 145-206.
Bergaigne, A.
– Inscriptions sanskrites du Champa, dans Notices et Extraits des Manuscrits de la Bibliothưque Nationale, XXVII, lère partie, 2e fascicule, Paris 1889.
Boisselier, J.
– La statuaire du Champa. Recherche sur les cultes et l’iconographie, Paris (Public. EFEO) 1963.
Claeys, J-Y.
– Fouilles de Trà-kiệu. Rapport de mission de la campagne1927-1928, dans BEFEO XXVII, pp. 468-482; XXVIII, pp. 578-593.
– Simhapura, la grande capitale chame (VI-VIII S. AD), dans Revue des Arts Asiatiques VII, pp. 93-104.
Coedes, G.
– La plus ancienne inscription en langue chame, dans Eastern and Indian Studies in Honour of F.W. Thomas. New Indian Antiquary. Extra Series I, pp. 46-49.- Les Etats Hindouisés d’Indochine et d’Indonésie, Paris (de Boccard) 1964.
Finot, L.
– Notes d’épigraphie. I, III, V, VI, XI, XII, XIV, XV, XX, dans Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrème-Orient I, pp. 185-191; III, pp. 206-211 et 630-654 ; IV, pp. 83-115 et 897-977 ; IX-2, pp. 205-209 ; XV-2, pp. 1-38 et 39-52 et 113-135.
– Pangduranga, dans Mélanges Kern, Leide (Brill) 1903, pp. 381-389.
Huber, E.
– Etudes indochinoises III. Le clan de l’aréquier, dans BEFEO V, pp. 170-175.
– Etudes indochinoises VIII. La stèle de Huế, dans BEFEO XI-3, pp. 259-260.
Lafont, P.- B.
– Pour une réhabilitation des chroniques en cam moderne, dans BEFEO LXVIII, pp. 105-111.
Lê Thành Khôi
– Le Việt-Nam. Histoire et Civilisation, Paris (Edit. de Minuit) 1955.
Manguin, P-Y.
– L’introduction de l’islam au Champa, dans BEFEO LXVI, pp. 255-287.
Maspéro, G.
– Le royaume de Champa, Leide (Brill) 1914.
Pelliot, P.
– Textes chinois sur le Panduranga, dans BEFEO III, pp. 649-654.
– Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle, dans BEFEO IV, pp. 131-413.
Po Dharma
– Le Panduranga (Champa) 1802 – 1835. Ses rapports avec le Vietnam, Paris (Publ. EFEO) 1987.
– Les frontières du Champa (Dernier état des recherches), dans Histoire des Frontières de la Péninsule Indochinoise.I. Les Frontières du Vietnam, Paris (L’Harmattan) 1989, pp. 128-135.
Quach-Langlet, T.
– Cadre géographique de l’ancien Champa, dans Actes du Séminaire sur le Champa organisé à l’Université de Copenhague, Paris (CHCPI) 1988, pp. 27-48.
Stein, R.
– Le Lin-yi. Sa localisation, sa contribution à la formation du Champa et ses liens avec la Chine, dans Han Hiue, Volume II, Fascicule 1-3, Pékin 1947, 325 pp. F cartes.
Stern, Ph.
– L’art du Champa (ancien Annam) et son évolution, Toulouse (Douladoure) 1942.
S.T
Nguồn: http://redsvn.net/tag/vuong-quoc-champa/
Đỗ Xuân Giang (sưu tầm)
Nhận xét
Đăng nhận xét