ĐỊA LÍ HỌC LỊCH SỬ: THÀNH PHỐ BIÊN HÒA, TỈNH ĐỒNG NAI (PHẦN 2)

PHẦN 2: ĐỊA LÍ HÀNH CHÍNH

Bản đồ các tỉnh Gia ĐịnhĐịnh Tường và Biên Hòa trong bản đồ hành chính Cochin Chine khu vực thuộc Pháp kiểm soát năm 1863

2.1. Thời kì trước thế kỉ XVII

Theo các kết quả nghiên cứu khảo cổ học, thành phố Biên Hòa nói riêng, vùng đất Nam Bộ nói chung có lịch sử khai phá lâu đời. Một vùng đất từng trải qua thời tiền sử, là nơi đã có con người sinh sống. Sau thời tiền sử, vào đầu công nguyên, vùng đất Nam Bộ là địa bàn chủ yếu của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Khi mới hình thành nhà nước, Phù Nam có “bảy ấp”, người đứng đầu được phong là “tiểu vương”. Có thể coi đó là “vùng thủ lĩnh” trong quá trình hình thành nhà nước theo mô hình “Mandala”. Từ một vương quốc, Phù Nam đã phát triển thành một đế chế cường thịnh của vùng Đông Nam Á lục địa. Đế chế Phù Nam gồm trên 10 nước, bao quát cả vùng hạ lưu và một phần trung lưu sông Menam, xuống dưới khoảng dưới bán đảo Mã Lai. Vùng đất Nam Bộ nằm trong lãnh thổ vương quốc Phù Nam và địa bàn chủ yếu của vương quốc.Tư liệu thư tịch và bi ký không cho biết về sự phân chia các vùng hay đơn vị cai quản của Nhà nước Phù Nam trên mảnh đất này, cũng như trên vùng đất thành phố Biên Hòa ngày nay.
Khoảng thế kỉ VI-VII, Chân Lạp là một thuộc quốc đã thôn tính nước Phù Nam, địa bàn thành phố Biên Hòa ngày nay và vùng đất Nam Bộ đã thuộc về sự cai trị của đất nước này. Từ thế kỉ VII-IX, Chân Lạp lâm vào tình trạng chiến tranh quyết liệt giữa các tiểu quốc và ở thế kỉ VIII phân thành hai vùng: Lục Chân Lạp (miền đất cao ở phía bắc, có nhiều núi rừng, gồm đất trung lưu sông MêKông, Hạ Lào, và một phần Thái Lan hiện nay) và Thủy Chân Lạp (vùng đất thấp ở phía nam, có đồng bằng, nhiều đầm lầy của một phần trung lưu và hạ lưu sông MêKông, trong đó có Nam Bộ). Thé kỉ IX, Chân Lạp dần dần thống nhất hai vùng lại, rồi phát triển thành một đế chế hùng mạnh và phát triển. Về phân chia hành chính bao gồm “prama” và “visaya”, thấp nhất là “sruk”. Tư liệu không cho biết gì về sự tồn tại của đơn vị hành chính của Chân Lạp trên vùng đất Nam Bộ. Miền đất Nam Bộ là vùng ngoại vi, hoang vu, không được quan tâm trong khai phá và quản lí, tư liệu không biết đơn vị hành chính trên vùng đất này, ngoại trừ một số tên đất tiếng Khmer còn lưu giữ lại về sau này khi người Việt vào đây khai phá.[1]
Từ trước thế kỉ XVII, “dân lưu tán của nước cùng ở lẫn với người Cao Miên để khai khẩn ruộng đất”[2]. Đó là hiện trạng người dân xứ ngũ quảng Đàng Trong vào miền Nam khai phá những vùng đất mới, ở cùng với người bản xứ lập nên những thôn, xã mới. Những nhóm di dân đầu tiên đặt chân ở Mỏ Cày (Bà Rịa-Vũng Tàu) rồi từ đó tiến lên Đồng Nai, những nhóm khác lần theo sông rạch mở rộng dần địa bàn khai phá. Họ trở thành một động lực mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đất Nam Bộ. Bên cạnh di dân người Việt, cũng có xuất hiện lưu dân người Hoa đã có mặt ở vùng đất Nam Bộ rất sớm. Bởi sự sụp đổ của nhà Minh, mà nhiều đại thần không làm quan hoặc chống lại triều Thanh nên đã bỏ vào xứ Đàng Trong để xin khai khẩn, lập nghiệp dưới thời chúa Nguyễn. Trong đó, đoàn người của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ đi sinh sống ở xứ Bàn Lân (tức Biên Hòa ngày nay). Vùng đất Nam Bộ khi ấy được gọi chung là xứ Đồng Nai. Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sứ quán triều Nguyễn đã giải thích điều này như sau: “Chợ Lộc Dã ở phía Nam hạ lưu sông Phước Long, huyện Phước Chính, vì trước kia là đồng nội lắm hươu nai, nên gọi tên thế, hoặc là Lộc Động, tục gọi chợ Đồng Nai - Xét sáu tỉnh Gia Định mà gọi chung là Đồng Nai, là vì lúc mới khai thác, bắt đầu từ Đồng Nai, nên lấy chỗ gốc mà bao trùm”[3].
Có thể nói, cùng với quá trình di dân vào phương nam, “từ Mô Xoài, Bà Rịa, di dân người Việt tiến dần vào vùng Đồng Nai định cư và khai khẩn. Các điểm định cư và hai khẩn sớm nhất ở khu vực này là Bà Lân, Bến Gỗ, Bến Cá, Cù lao Rùa, Tân Triều, Cù Lao Tân Chính, rạch Lá Buông… Vào cuối những năm 70 thế kỉ XVII, vùng này lại có thêm lưu dân người Hoa đến ở. Đây là những người Trung Hoa không thần phục triều đình Mãn Thanh chạy sang Việt Nam xin lưu trú được chúa Nguyễn phân sắp vào đây. Địa điểm tập kết đầu tiên của họ theo Gia Định thành thông chí là Bàn Lăng (còn gọi là Bàn Lân). Tại đây, cùng với người Việt đã đến cư trú từ trước, họ khai phá đất hoang, lập phố chợ thương mại, giao thương với người Tàu, người Nhật Bổn, người Tây Dương. Đồ-bà thuyền buôn tấp nập đông đảo”[4].
Như vậy, từ khi đất nước Phù Nam, rồi tới Chân Lạp, vùng đất Nam Bộ nói chung, thành phố Biên Hòa nói riêng chưa có hoặc không thấy tài liệu nói về sự phân cấp hành chính rõ ràng. Với lại đến cuối thế kỉ XVII, khi người Việt và người Hoa vào đây khai phá thì nơi đây từ một vùng đất hoang vu trở nên trù phú, phát triển rực rỡ. Các chúa Nguyễn cũng đã dần dần thiết lập được sự ảnh hưởng tại đây bằng cách hình thành những cơ sở quyền lực và các đồn thu thuế, nắm được tình hình dân chúng. Đây chính là những cơ sở đầu tiên để vào năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu tiến hành việc đặt vùng đất xứ Đồng Nai vào sự quản lí chính thức của mình thông qua cuộc kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh, là sự kiện khởi đầu cho việc xác lập quyền lực của chúa Nguyễn tại nơi đây.
 Tác giả: Trần Hoàng
Trích bài tiểu luận cuối kỳ môn Địa lý học lịch sử
(còn nữa)






[1] Phan Huy Lê (2016), Vùng đất Nam Bộ - quá trình hình thành và phát triển, tập 1m NXB.Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.25-26.
[2] Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, NXB. Giáo dục, Hà Nội, tr.75.
[3] Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng (2013), sđd, tr.8.
[4] PGS. Huỳnh Lửa (chủ biên) (2017), lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, NXB. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.52-53.

Nhận xét