Việt Nam và Trung Quốc
là hai nước láng giềng giáp với nhau trên đất liền và cả trên biển (vịnh Bắc Bộ).
Đường biên giới giữa hai nước đã hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, núi
liền núi, sông liền sông, từ xưa đến nay luôn tồn tại bên cạnh nhau như thế. Về
mặt vị trí địa lý tự nhiên, lãnh thổ Việt Nam có những con sông lớn bắt nguồn từ
lãnh thổ Trung Quốc đổ vào miền Bắc Việt Nam để chảy ra biển Đông như sông Hồng,
sông Đà, sông Lô,… Hiện tại, giữa Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới
chung trên đất liền dài khoảng trên 1000km, kéo dài từ A Pa Chải (Lai Châu) ở
phía Tây sang thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng
Sơn), Trùng Khánh (Cao Bằng), Thanh Thủy (Hà Giang), và cửa khẩu Lào Cai. Về
lãnh hải thì Việt Nam và Trung Quốc có biển tiếp giáp liền nhau ở phía Đông Việt
Nam và phía Nam Trung Quốc.
Ảnh minh hoạ
Theo truyền thuyết có
diễn ra cuộc xâm lược của Ân - Thương dưới đời vua thứ 6, với sự xuất hiện của
anh hùng Thánh Gióng. Tiếp theo đó, là cuộc xâm lược quân Tần. Tính từ thời điểm
218 TCN - 214 TCN tới nay đã hơn mấy nghìn năm lịch sử. Sự xâm lược của quân Tần
đánh dấu sự sụp đổ nhà nước Văn Lang, sự khởi đầu của nhà nước Âu Lạc. Tuy vẫn
có nhiều mâu thuẫn về nguồn gốc của nhà nước Âu Lạc, song chúng ta thấy rằng sự
ra đời kịp thời của nhà nước mới này đã đảm bảo được nền độc lập khỏi ách thống
trị của phương Bắc.
Mặc dù quân Tần thất bại,
song bộ tướng ở biên giới vẫn không bỏ nguôi cơ hội xâm lược. Đứng trước sự suy
yếu và sụp đổ của nhà Tần, Triệu Đà muốn cũng cố thế lực chống đối nhà Hán đang
lên, đã đem quân xâm lược đất nước Âu Lạc. Tuy thất bại, song họ Triệu dùng kế
thông gia đã chiếm được nhà nước Âu Lạc. Truyền thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu đã
cho chúng ta thấy được toàn cảnh của cuộc xâm lược này. Dù là lỗi của ai, việc
quân Nam Việt (quốc hiệu của nhà Triệu) đã biến vùng đất Âu Lạc thành nơi phụ
thuộc. Do có nhiều mâu thuẫn xung quanh việc đánh giá nhà Triệu là người Việt
hay người phương Bắc nên việc cho rằng sự kiện nhà Triệu xâm lược là khởi đầu của
thời kì Bắc thuộc rất khó xác định. Theo tôi thấy, nhà Hán diệt nhà Triệu năm
111 TCN có thể xem là mốc của thời kì này. Bởi vì, nhà Hán là một quốc gia thống
nhất và có tính chính danh hơn nhiều Triệu, xứng đáng là sự kế tục của nhà Tần.
Trong suốt thời kì bắc
thuộc, mặc dù tình hình trung ương không mấy thoải mái, nhưng các triều đại kế
tiếp nhau vẫn quan tâm đến mảnh đất Giao Châu (tên gọi nước Âu Lạc thời kì này
luôn thay đổi cùng với phạm vi, song tên Giao Châu là dùng tới cuối thời Đường).
Hơn nghìn năm bắc thuộc là thời kì các cuộc kháng chiến của nhân dân diễn ra
sôi nổi và mạnh mẽ. Văn hóa phương Bắc về cơ bản đã thâm nhập vào xã hội và bước
đầu xã hội nước ta có sự biến đổi sâu sắc. Thời kì độc lập ngắn ngủi của các
chính quyền đã làm cho thời kì bắc thuộc bị ngắt quãng. Sự ra đời của các chính
quyền độc lập là kết quả của cuộc đấu tranh oanh liệt của nhân dân ta và sự suy
yếu của triều đại trung ương. Đến năm 905, khi nhà Đường đang trên bước đường
suy yếu (sụp đổ năm 907), Khúc Thừa Dụ đã giành lấy quyền Tiết độ sứ. Sự kiện
này đã đánh dấu bước ngoặt mở ra thời kì độc lập sau này. Mặc dù chưa xưng đế,
xưng vương, nhưng những việc làm của họ Khúc trong gần 330 năm (905 - 930), đã
tạo cơ sở cho nền độc lập sau này.
Cuộc kháng chiến chống
quân xâm lược Nam Hán (một thế lực vừa nổi lên, trong thời kì Ngũ Đại Thập Quốc
ở Trung Quốc) năm 938 dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đã đánh dấu sự kết thúc
hơn nghìn năm bắc thuộc, với cuộc thắng lợi oanh liệt của dân tộc. Chính lúc
này, nhà Tống đang trên con đường thống nhất Trung Nguyên, cũng tỏ ra mong muốn
sự xâm lược, nhưng với tài ngoại giao khôn khéo của Đinh Bộ Lĩnh (nhà Đinh được
thành lập năm 968) đã tạo nên sự yên ổn trong mấy năm.
Trong suốt mười thế kỉ
độc lập của nước ta, với sự củng cố và tăng cường của chế độ quân chủ, cuộc xâm
lược của Trung Quốc tuy vẫn diễn ra song chúng không thể biến nước ta thành phụ
thuộc như trước. Cuộc xâm lược thường diễn ra khi nước ta có biến, triều đại sụp
đổ, triều đại mới lên thay. Nhà Tống lâm le và xâm lược khi nhà Đinh mất, nhà
Lê thay (981), khi vua Lý còn nhỏ vừa mới lên ngôi (1075 - 1077) đều nhận thắng
bại tại sông Bạch Đằng, dòng sông oanh liệt. Tiếp đến, ba cuộc xâm lược của
quân Mông - Nguyên liên tiếp trong thế kỉ XIII cũng nhận thất bại. Khi nhà Trần
sụp đổ, nhà Hồ lên thay, nhà Minh nhân danh “phù Trần diệt Hồ” đã biến nước ta
thành quận, huyện quản lí hơn 20 năm. Song với cuộc đấu tranh liên tiếp và oanh
liệt của nhân dân, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Lê Lợi đã giành
thắng lợi, khôi phục nền độc lập dân tộc. Trải mấy thế kỉ, mặc dù đất nước bị nội
loạn, phân chia, đấu tranh diễn ra, song nhà Minh cũng không thể tiến hành cuộc
xâm lược mang quy mô lớn như thời Minh Thành Tổ. Đất nước bị nội loạn trong suốt
hơn thế kỉ XVI - XVIII đã thống nhất dưới triều Tây Sơn và sau đó là Triều Nguyễn,
nhà Thanh tuy xâm lược năm 1789 nhưng cũng thảm bại.
Mặc dù giành chiến thắng
trước các triều đại phong kiến phương Bắc, song các triều đại nước ta vẫn tỏ ra
khôn khéo trong ngoại giao. Sự kiện nhận sách phong từ phương bắc của các hoàng
đế Việt Nam đã tạo nên một thời kì ổn định trong nhiều năm cai trị của một dòng
họ. Sự ổn định đó không phải một dòng họ mà là sự ổn định của toàn thể dân tộc
Việt Nam.
Tác giả: Trần Hoàng
Nhận xét
Đăng nhận xét